Hành trình đến với Nghề Cố vấn Tài chính cá nhân

Hành trình đến với Nghề Cố vấn Tài chính cá nhân

Nghề Cố vấn tài chính cá nhân là một lĩnh vực quan trọng trong ngành tài chính. Cố vấn tài chính cá nhân là những người – chuyên gia có kiến ​​thức sâu rộng về các sản phẩm và dịch vụ tài chính, nhằm hỗ trợ cá nhân – gia đình thực hiện quản lý và tối ưu hóa tài chính cá nhân của họ.

Bài viết dưới đây chia sẻ hành trình đến với nghề Cố vấn tài chính cá nhân của mình. Mời các bạn cùng tham khảo về lĩnh vực nghề nghiệp đầy triển vọng này nhé.

Cố vấn tài chính cá nhân | NgânHQ
Cố vấn tài chính cá nhân là lĩnh vực nhiều triển vọng

Hành trình đến nghề Cố vấn tài chính cá nhân

1. Triển vọng nghề Cố vấn tài chính cá nhân

Nghề Cố vấn tài chính cá nhân ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là trong các nền kinh tế phát triển. Điều này được lý giải bởi một số lý do sau:

+ Tăng cường nhận thức về tài chính cá nhân.

Mạng Internet góp phần quan trọng trong việc phổ biến kiến thức cho phần lớn người dân trên thế giới, chính vì vậy hiện nay đa số mọi người nhận ra tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân và chuẩn bị cho tương lai tài chính dẫn đến nhu cầu về sự hỗ trợ từ các cố vấn tài chính cá nhân ngày càng gia tăng.

+ Sự phức tạp của thị trường tài chính.

Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính và sản phẩm tài chính đặc biệt là các sản phẩm tài chính chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, người dân cảm thấy khó khăn trong việc hiểu và quản lý các sản phẩm này một cách hiệu quả. Do đó, họ cần sự tư vấn chuyên sâu từ các Cố vấn tài chính cá nhân để giảm thiểu những rủi ro không đáng có.

+ Tăng cường quy định và chuẩn mực tài chính.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tăng cường quy định và chuẩn mực đối với ngành tài chính nói chung và tài chính cá nhân nói riêng, đặc biệt là về việc cung cấp các dịch vụ tư vấn. Điều này làm tăng uy tín và niềm tin của người tiêu dùng vào nghề nghiệp Cố vấn tài chính cá nhân.

+ Sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực tài chính.

Interntet góp phần lan tỏa và công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nghề Cố vấn tài chính cá nhân. Các ứng dụng di động và các nền tảng trực tuyến chẳng hạn như trang web và công nghệ fintech đã tạo ra các công cụ mới để tiếp cận được với nhiều khách hàng và cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính một cách đa dạng, tiện lợi và hiệu quả.

Không nằm ngoài xu hướng phát triển của thế giới, nghề Cố vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam cũng đang trở nên ngày càng phổ biến và quan trọng. Với sự phát triển kinh tế và gia tăng thu nhập của người dân, nhu cầu nhận thức về việc quản lý tài chính cá nhân đã được nâng cao.

Người Việt Nam ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc cần có một Kế hoạch tài chính cụ thể cũng như sự cần thiết của việc cần có một Cố vấn tài chính cá nhân chuyên nghiệp để đồng hành và đưa ra những sự tư vấn phù hợp.

Thị trường tài chính tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, bao gồm cả thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và các sản phẩm tài chính khác. Sự đa dạng của các sản phẩm và dịch vụ tài chính mới xuất hiện đòi hỏi sự hiểu biết chuyên sâu của nhà đầu tư và và sự tư vấn có chuyên môn của Cố vấn tài chính cá nhân.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý tài chính cũng đặt ra nhiều quy định và chuẩn mực để kiểm soát hoạt động của các Cố vấn tài chính cá nhân. Điều này nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và đạo đức trong hoạt động tư vấn tài chính, làm củng cố và gia tăng niềm tin đối với khách hàng khi lựa chọn dịch vụ.

AFA – Tổ chức nghiên cứu và đào tạo Cố vấn TCCN uy tín 

2. Hành trình đến với nghề Cố vấn Tài chính cá nhân

2.1. Người mẹ đơn thân với nguồn thu nhập hạn chế

Mình là một người mẹ đơn thân – một nữ quân nhân thâm niên 21 năm với mức lương hạn chế. Mình sống cùng hai cậu con trai đang học cấp 3. Giống như nhiều người mẹ đơn thân khác cùng hoàn cảnh, cuộc sống của mình luôn phải đối diện với rất nhiều khó khăn đặc biệt là những khó khăn về tài chính.

Bạn có bao giờ gặp phải tình trạng giống như mình?

– Có thu nhập nhưng hạn chế nên thường không đủ chi tiêu.

– Không có khoản dự phòng chi tiêu cho bản thân và gia đình.

– Không có tiền tiết kiệm hàng tháng.

– Có tài sản nhưng thường xuyên thiếu tiền mặt.

– Đầu tư nhưng không hiệu quả, lỗ nhiều hơn lãi…

Thực sự là mình đã trải qua nhiều ngày tháng như vậy.

Nguyên nhân là bởi vì cuộc sống của mình trong suốt thời gian hôn nhân gần 10 năm khá tốt, tuy không dư dả nhưng có thể nói là đủ đầy. Mình hoàn toàn không phải lo lắng gì về vấn đề kinh tế ngoài việc đi làm theo chế độ và chăm sóc gia đình. Công việc bộ đội của mình thì ổn định cho đến lúc nghỉ hưu nên mình chưa bao giờ tính toán đến việc phải có “quỹ đen” hay tiết kiệm phòng bị gì cả.

Cuộc sống là gì? Là tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra. Và mình đã ly hôn từ gần 9 năm về trước đồng thời nhận trách nhiệm nuôi hai con trai. Trong những năm đầu đơn thân nuôi con, mình ý thức được rằng không thể cứ trông chờ vào khoản cấp dưỡng không ổn định, và 3 mẹ con cũng không thể đảm bảo cuộc sống chỉ với một nguồn thu nhập duy nhất từ khoản tiền lương hạn chế của riêng bản thân mình.

Chi phí sinh hoạt thiết yếu phát sinh của gia đình mình (gồm 3 mẹ con) thường vượt quá tiền lương của mình mỗi tháng. Đó là chưa kể đến các chi phí sinh hoạt không thiết yếu có thể tăng thêm. Mình biết mọi người sẽ rất bất ngờ và “ném đá” dữ dội khi mình chia sẻ điều này nó vi phạm quá mức nguyên tắc tài chính cơ bản là “Chi tiêu dưới mức thu nhập”.

Xem thêm về 2 loại chi phí sinh hoạt cơ bản.

Như mình đã nói ở trên: vì tuổi thơ của các con khá đẹp đẽ với điều kiện vật chất tươm tất; vì sự day dứt của người mẹ khi không cho con có được một gia đình êm ấm nên mình luôn tâm niệm nhất định phải giữ cho con cuộc sống tối thiểu như trước, không được hơn thì ít nhất cũng phải bằng chứ không được kém đi, đặc biệt là mình luôn ưu tiên các chi phí cho giáo dục. (Có lẽ hầu hết những người mẹ đơn thân sẽ đồng cảm với suy nghĩ của mình.)

Trong khoảng thời gian 5 năm (từ 2014 đến 2019 – vừa lúc dịch Covid xảy ra), bên cạnh công việc chính là bộ đội, mình có là tư vấn viên của công ty bảo hiểm nhân thọ. Công việc tư vấn bảo hiểm đã giúp mình có thêm được một khoản thu nhập mỗi tháng. Tuy nhiên khoản thu nhập này thường không đều đặn và thực sự chưa giúp cho mình có đủ mức thu nhập để có thể chi trả cho tổng chi phí sinh hoạt của gia đình.

Tạo thêm nguồn thu nhập là vấn đề được đặt lên hàng đầu

Vấn đề đặt ra là: Tiền ở đâu có đủ cho mình duy trì mức chi phí sinh hoạt như hiện tại và gia tăng dần trong tương lai khi những đứa trẻ lớn dần? Mình phải làm gì để kiếm tiền đây? Mình phải làm gì để có thêm thu nhập?

Ban đầu mình lựa chọn đầu tư chứng khoán bởi vì có chút kiến thức tổng quan về thị trường từ ngày còn học đại học. Mình hiểu về triển vọng của TTCK Việt Nam về lâu dài. Điều quan trọng nhất, mình nghĩ đây là công việc có thể làm mọi lúc, mọi nơi, cả khi mình già vẫn có thể đầu tư, đặc biệt là số vốn ban đầu không cần quá lớn.

Tuy nhiên, khi bắt đầu mở tài khoản đầu tư chứng khoán, mình không hề biết thực tế thị trường lúc đó đang ở giai đoạn nào, các yếu tố kinh tế vĩ mô ra sao, những vấn đề thay đổi hằng ngày của thế giới có ảnh hưởng gì, rủi ro lớn hay nhỏ…

Nhiều người xung quanh mình khi đó dùng từ “Chơi chứng khoán”, còn mình suy nghĩ nghiêm túc hơn, mình không “Chơi”, mình “Đầu tư chứng khoán”. Nghe thì có vẻ chuyên nghiệp nhưng thực ra mình chẳng có bao nhiêu kiến thức đầu tư ngoài việc có hiểu đôi chút về một số doanh nghiệp lớn qua các trang thông tin trên mạng. Có lẽ “Giao dịch chứng khoán” nghe có vẻ phù hợp hơn.

Song song với mở tài khoản giao dịch chứng khoán mình có tham gia “Giao dịch bất động sản” (cũng không phải là “Đầu tư bất động sản”). Đầu tiên mình mua căn hộ chung cư của dự án thanh toán theo tiến độ. Khi đó thấy mọi người nhào đi mua đất nền vì đang “sốt đất” nên mình “lướt” căn hộ lấy một số lãi nhỏ rồi cùng với người quen chung nhau mua đất. Thậm chí lúc này còn rút bớt tài khoản chứng khoán để dồn vào đất với kỳ vọng lợi nhuận nhanh chóng gia tăng.

Rồi bất động sản chững lại khi cả xã hội hứng mình chịu đại dịch Covid 19. Mình may mắn hơn rất nhiều người là vẫn có “Tài sản phòng thủ” là khoản tiền lương cố định được đảm bảo. Bên cạnh đó, việc lockdown trong thời gian dài và học online khiến các chi phí giáo dục của các con giảm đi rất nhiều. Nhờ đó mà cuộc sống của gia đình vẫn được duy trì ổn định.

Điều mà mình luôn trăn trở là làm thế nào để có thể khiến cho chút tài sản ít ỏi của mình sinh sôi nảy nở đây? Trong điều kiện chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng tỷ lệ với độ tuổi của các con, nếu mình không làm cho tài sản gia tăng tương ứng thì chẳng bao lâu nữa mình sẽ trở nên “vô sản” nếu cứ kiểu “miệng ăn núi lở” như thế này.

Và trong một lần tìm kiếm những kiến thức về tài chính cá nhân và đầu tư, mình chợt nhớ tới cụm từ “Cố vấn tài chính cá nhân”. Ồ mình biết. Tại các quốc gia phát triển, cố vấn hoặc chuyên gia tư vấn là một nghề rất phổ biến và được coi trọng, từ cố vấn tài chính, chuyên gia tâm lý, tư vấn hôn nhân… Gần như tất cả các vấn đề của một cá nhân đều có thể được giải quyết bởi các cố vấn hay chuyên gia tư vấn.

Cố vấn tài chính cá nhân là một nghề còn khá xa lạ với người dân Việt Nam. Và mình nhận định đây sẽ là một nghề vô cùng cần thiết và cực kỳ có triển vọng trong tương lai.

Vậy tại sao mình lại không lựa chọn con đường trở thành một Cố vấn tài chính cá nhân? Trước hết, công việc này có thể giúp mình lập kế hoạch tài chính cho bản thân và thực hiện công việc đầu tư hiệu quả. Bên cạnh đó, mình có thể phát triển và thực hiện công việc Cố vấn tài chính cá nhân một cách độc lập mà không ảnh hưởng gì tới công việc hiện tại.

Như vậy mình hoàn toàn có thể thực hiện được việc đa dạng hóa các nguồn thu nhập, ngoài tiền lương cố định, lợi nhuận từ đầu tư, trong tương lai mình còn có thêm một nguồn thu nhập khác. Suy nghĩ này đã mang lại cho mình nguồn cảm hứng dồi dào khi quyết định nghiên cứu sâu hơn về nghề nghiêp Cố vấn tài chính cá nhân.

2.2. Khóa học Tài chính cá nhân và quản lý gia sản đầu tư

Việc tìm kiếm từ khóa “Cố vấn tài chính cá nhân” đã dẫn mình tới website của AFA. Không ngần ngại, mình đã đăng ký ngay khóa học Wealth Intelligence – Tài chính cá nhân và quản lý tài sản đầu tư tháng 7/2021.

Tài chính cá nhân và quản lý tài sản đầu tư là khóa học nền tảng khởi đầu cho nghề Cố vấn tài chính cá nhân.

Sau khi học khóa học WI, mình đã có kiến thức cơ bản về Quản lý tài chính cá nhân mà mình đã đúc kết lại ở bài viết 10 nội dung về Tài chính cá nhân sau khi học khóa học Quản lý gia sản. Điều mình tâm đắc nhất là nhận ra được tầm quan trọng của Quỹ dự phòng tài chính, xây dựng được Bảng cân đối tài sản để xác định Tài sản ròng và xây dựng Tháp tài sản đầu tư theo khẩu vị rủi ro của bản thân.

  • Khái niệm vô cùng mới mẻ và mang đến cho mình rất nhiều giá trị đó là Tháp tài sản đầu tư. Nó cho mình thấy rằng xưa nay mình đã “đầu tư một cách vô tổ chức” dẫn đến tình trạng “có tài sản nhưng thường xuyên thiếu tiền mặt” như mình đã kể ra ở trên. Việc nhận diện chính xác các lớp tài sản và mức độ rủi ro của chúng giúp cho mình phân bổ tỷ trọng đầu tư một cách hợp lý và tự tin hơn để quản lý. Mình đã bán bớt một phần bất động sản đang nắm giữ (cho dù không có lãi) để thanh toán toàn bộ khoản Nợ ngân hàng đang phải chịu lãi suất và trích lập Quỹ dự phòng tài chính.
  • Xây dựng Bảng cân đối tài sản giúp mình hiểu rõ tình hình sức khỏe tài chính, rằng dòng tiền có lành mạnh hay không. Rõ ràng với mức chi tiêu lớn hơn thu nhập thì dòng tiền của mình thực sự có vấn đề. Tuy nhiên, nhờ cơ cấu lại các thành phần của Bảng cân đối tài sản có Quỹ dự phòng đảm bảo cho các khoản chi phí sinh hoạt hàng tháng thì dòng tiền của mình đã trở nên lành mạnh hơn, ít nhất là về hình thức quản lý.
  • Trước đây, mình thường bổ sung chi phí sinh hoạt hàng tháng bằng cách rút phần lợi nhuận từ tài khoản giao dịch chứng khoán. Những lúc tài khoản không phát sinh lợi nhuận hoặc thậm chí thua lỗ, không còn cách nào khác mình cũng vẫn phải trích ra, điều đó làm cho giá trị tài sản ròng của tài khoản chứng khoán trở nên bất định. Mình cũng không xác định được chính xác tỷ suất lợi nhuận đầu tư. Chính việc trích lập Quỹ dự phòng tài chính đã giúp mình thoát khỏi sự rối rắm này.

2.3. Khóa học Phân tích kinh tế vĩ mô ứng dụng trong đầu tư

Sau khi học xong khóa học WI, mình tiếp tục tham gia khóa MAI – Phân tích kinh tế vĩ mô ứng dụng trong đầu tư. Đây là một khóa học giúp mình làm mới lại rất nhiều kiến thức và vận dụng vào thực tế công việc đầu tư chứng khoán mà mình đang rất tập trung.

  • Xuất thân là dân kinh tế nhưng công việc bao năm qua chẳng có gì liên quan. Đến bây giờ học lại và được chỉ dẫn xem xét từng yếu tố vĩ mô trong từng tình huống biến động cụ thể của thị trường mình mới thấy vô vàn giá trị xen lẫn sự thú vị mà có lẽ chỉ những người thực sự đi sâu nghiên cứu mới cảm nhận được.
  • Trước đây danh mục đầu tư của mình chỉ có tiền mặt, cổ phiếu, BHNT và bất động sản. Mình không hề quan tâm đến Vàng hay chứng chỉ quỹ đầu tư và cũng không bao giờ nghĩ sẽ sở hữu hai loại tài sản này trong danh mục đầu tư. Ấy thế mà bây giờ mình đã thực hiện được đa dạng hóa các lớp tài sản trên cơ sở hiểu rõ khẩu vị rủi ro của bản thân cũng như tính chất của các loại tài sản trong từng điều kiện thị trường.
  • Mặc dù giá trị tài sản ròng hiện tại không lớn nhưng mình thấy vững tin hơn rất nhiều với danh mục đầu tư mà mình đang nắm giữ. Giá trị lớn nhất nhận được từ khóa học MAI là mình có thể biết thời điểm phù hợp để điều chỉnh hành vi đầu tư và quản trị tài khoản căn cứ vào các chỉ báo kinh tế vĩ mô.

Song song với việc tìm hiểu nghiên cứu tài liệu khóa học, mình thường xuyên theo dõi kênh Tài chính kinh doanh để cập nhật và củng cố kiến thức. Việc nhận thức được sự tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô đến sự vận động của nền kinh tế nói chung và các lớp tài sản đầu tư nói riêng thực sự là một dấu mốc quan trọng trong hành trình đến với nghề Cố vấn tài chính cá nhân của mình.

*****

Thực tế quản lý tài chính và đầu tư từ 2018 cho đến nay cho thấy, có đôi khi mình phải trả giá rất lớn cả thời gian, công sức và tiền bạc. Điều quan trọng là mình đã không bỏ cuộc. Mỗi một lần gặp thất bị mình lại xem đó như là một kinh nghiệm và ghi lại thành hệ thống bài học quản lý tài chính và đầu tư của riêng mình.

Tuy nhiên có một sự thật để mình tự hào với chính bản thân rằng: Mình đã biết cách Quản lý tài chính cá nhân một cách khoa học và hiệu quả hơn rất nhiều đặc biệt trong đầu tư chứng khoán, từ việc để tài khoản ở trạng thái “chờ về bờ” đến bây giờ mình đã biết cách bảo vệ tài khoản trước những khoản thua lỗ không đáng có.

Điều khiến mình hài lòng nhất hiện nay là bản thân đã xây dựng được một danh mục tài sản đầu tư dù là rất nhỏ nhưng an toàn và bền vững để gia tăng tài sản. Mình cảm thấy an tâm hơn về chuyện tiền bạc, bớt đi áp lực về kinh tế và duy trì thời gian dành cho các con bởi chúng sắp đến lúc phải rời xa mẹ rồi. Trước khi trở thành một Cố vấn tài chính cá nhân để giúp ích cho nhiều người khác, mình thực sự trở thành Cố vấn tài chính cá nhân cho chính bản thân mình.

Mình cũng hướng tới việc chia sẻ nhiều hơn các kiến thức Tài chính cá nhân cho người thân, bạn bè đặc biệt là những phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh như mình với hy vọng có thể giúp họ vượt qua những khó khăn về tài chính khi đối diện với cuộc sống không có nhiều may mắn.

Nếu bạn cũng quan tâm tới nghề Cố vấn tài chính cá nhân thì liên hệ mình cùng chia sẻ nhé.

Give a Comment