2 loại chi phí sinh hoạt cơ bản trong quản lý chi tiêu cá nhân

2 loại chi phí sinh hoạt cơ bản trong quản lý chi tiêu cá nhân

Rất đơn giản để chúng ta hiểu rằng Chi phí sinh hoạt là chi phí để duy trì một mức sống nhất định. Nhưng mức sống nhất định đó được quy định như thế nào, có phải tất cả mọi người đều có mức sống nhất định như nhau?

Thực tế hầu hết chúng ta đều biết là không phải như vậy. Mức sống hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện kinh tế riêng của từng cá nhân, từng gia đình thậm chí trong từng giai đoạn khác nhau của cuộc sống.

Mời bạn cùng tìm hiểu 2 loại chi phí sinh hoạt cơ bản để thấy rõ hơn nhé.

2 loại Chi phí sinh hoạt | NgânHQ
2 loại chi phí sinh hoạt cơ bản trong chi tiêu cá nhân

Có thể bạn muốn biết chi tiết về Các nguồn thu nhập cá nhân gia tăng tài sản

2 loại chi phí sinh hoạt cơ bản

1. Chi phí sinh hoạt thiết yếu

Là những khoản chi phí sinh hoạt cố định bắt buộc phải chi tiêu bất kể bạn ở đâu, làm gì hay trong tình trạng như thế nào, bao gồm:

1.1. Chi phí ăn uống

Chi phí ăn uống là nội dung đầu tiên cần đề cập đến trong tất cả các hạng mục chi phí sinh hoạt, vì có thực mới vực được đạo. Đây là toàn bộ khoản chi phí bạn phân bổ cho việc ăn uống của bản thân (hoặc gia đình) trong tháng. Khoản chi phí này bao gồm tiền ăn các bữa chính, bữa phụ, ăn sáng, ăn vặt, ăn thêm hay đi ăn nhà hàng…

Với các khoản ăn cố định như bữa chính, bữa sáng thì bạn đã có mức ấn định cụ thể; tuy nhiên việc giới hạn một khoản chi dùng cho các nội dung ăn uống khác cũng cần được coi trọng để tránh tình trạng tổng chi phí ăn uống phát sinh quá nhiều vừa tránh lãng phí lại không làm ảnh hưởng tới ngân sách của bạn.

Bạn có công nhận rằng trên tất cả, chúng ta ai cũng phải ăn trước đã? Và việc quy định tỷ lệ bao nhiêu cho chi phí ăn uống hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của bạn. Một số người có thói quen ăn uống đơn giản nên ngân sách cho mục này không quá lớn. Một số người chú trọng thưởng thức ẩm thực hoặc có niềm say mê với việc ăn uống nên sẽ phải chi phí nhiều hơn.

Nếu bạn phân vân chưa biết phân bổ bao nhiêu thu nhập cho việc ăn uống là phù hợp thì bạn có thể tham khảo cách phân bổ chi phí ở bài viết Quy tắc chi tiêu.

1.2. Chi phí thuê nhà

Người Việt ta xưa nay có câu: An cư lạc nghiệp. Như vậy sau ăn rồi đến ở. Thực sự chúc mừng bạn nếu như trong danh mục chi tiêu của bạn không xuất hiện khoản chi phí sinh hoạt này. Đối với rất nhiều người, việc không phải đi thuê nhà hay không tốn khoản chi phí thuê nhà đã giúp họ giảm được rất nhiều áp lực về kinh tế.

Có thể nói tiền thuê nhà là một khoản chi phí sinh hoạt vô cùng quan trọng và chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tỷ trọng chi phí sinh hoạt thiết yếu, thậm chí có một số người coi trọng không gian sống nên mặc dù đi thuê nhà nhưng họ sẵn sàng dành một khoản ngân sách còn lớn hơn cả chi phí ăn uống.

Nếu hiện tại bạn bắt buộc phải đi thuê nhà thì không có cách nào khác là bạn phải cố gắng để thu nhập của bạn có thể bảo đảm cả khoản chi phí này. Cách quản lý tốt nhất là bạn phải dành riêng một khoản cố định và đều đặn để tránh bị áp lực “Nợ tiền nhà” mỗi khi tới kỳ nộp tiền.

Mọi việc sẽ dễ dàng hơn nếu bạn còn độc thân bởi vì bạn có thể lựa chọn phương án thuê nhà chung để chia sẻ chi phí. Nhưng sẽ phức tạp hơn nếu bạn đang chung sống cùng gia đình riêng. Nếu thu nhập của bạn không đảm bảo, bạn bắt buộc phải thực hiện cắt giảm các khoản chi phí sinh hoạt khác thậm chí có khi bạn cũng cần cắt giảm cả khoản chi phí ăn uống.

Chắc chắn bạn cũng đồng ý rằng, cho dù ăn nhiều hay ít, ăn ngon hay không ngon thì cuộc sống của bạn vẫn được duy trì trong thời gian trước mắt – nói một cách nôm na là “Không chết ngay được”. Còn nếu không nộp đúng và đủ tiền thuê nhà theo quy định thì chắc chắn cuộc sống của bạn sẽ gặp khó khăn nhiều hơn.

1.3. Chi phí dịch vụ

Bao gồm các khoản chi phí bắt buộc phải thanh toán để phục vụ cuộc sống hàng ngày của bạn: Tiền điện, tiền nước, tiền rác, cước điện thoại di động – internet – truyền hình cáp, phí duy trì sửa chữa hay phí dịch vụ chung cư… Trong xã hội hiện đại ngày nay, các khoản chi phí sinh hoạt trên cũng được xếp vào hạng mục chi phí bắt buộc phải chi trả cho các dịch vụ cần sử dụng hàng ngày.

Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và hạn chế được các hạng mục chi phí sinh hoạt thuộc loại này nhờ vào việc rèn luyện các thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày. Đơn giản nhất là thực hành tiết kiệm nước, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng hay tận dụng ánh sáng mặt trời và gió tự nhiên thay cho đèn chiếu sáng và các thiết bị làm mát nếu có thể.

Đối với dịch vụ viễn thông thì bạn tìm kiếm và lựa chọn những combo gồm cước viễn thông – dữ liệu di động – cước truyền hình tối ưu phù hợp nhu cầu sử dụng của bản thân và gia đình mà các nhà mạng liên tục giới thiệu để tăng tính cạnh tranh và khuyến khích khách hàng sử dụng.

Bạn có thể tìm hiểu thêm các cách tiết kiệm tiền từ chi phí dịch vụ.

1.4. Chi phí giáo dục

Chi phí giáo dục là khoản mục chi phí sinh hoạt thiết yếu

Chi phí giáo dục đề cập ở đây mang tính thiết yếu bởi vì đó là một khoản chi phí sinh hoạt quan trọng đối với các gia đình có con cái đang trong độ tuổi đi học. Khoản chi phí này thông thường sẽ bao gồm học phí định kỳ mà cha mẹ phải nộp cho con khi đến trường, ngoài ra còn gồm các khoản phí tại các lớp học thêm mà con bạn tham gia.

Đối với giáo dục trường tư thì chi phí giáo dục thường bao gồm trọn gói tất cả, ngoài khoản đóng góp này ra gần như không có phát sinh thêm. Tuy nhiên đối với giáo dục trường công thì chi phí giáo dục cũng có thể được tách ra thành 2 phần tùy theo hoàn cảnh gia đình, ví dụ như sau:

– Chi phí giáo dục thiết yếu: Là các khoản phí và học phí bắt buộc phải nộp cho nhà trường theo quy định.

– Chi phí giáo dục không thiết yếu (Chi phí mong muốn): Là các khoản phí cho các lớp học thêm ngoài thời gian học tập chính thức ở trường. Hiện nay khoản chi phí này tập trung nhiều ở các lớp học tiếng Anh, ngoài ra còn có các lớp kỹ năng sống, rèn luyện thể dục thể thao hay các bộ môn nghệ thuật.

Như trên đã nói, chi phí sinh hoạt thiết yếu là những khoản chi phí mang tính bắt buộc không thể không chi dùng. Do vậy tùy theo điều kiện kinh tế và quan điểm giáo dục mà bạn có kế hoạch phân bổ khoản chi phí này sao cho phù hợp với ngân sách của gia đình bạn.

Nhấp vào đây để tham khảo về Các cách tiết kiệm tiền hiệu quả.

1.5. Chi phí đi lại

Chi phí đi lại là khoản mục chi phí sinh hoạt thiết yếu cũng có sự khác biệt tùy theo điều kiện của từng cá nhân, từng gia đình. Nhìn chung chi phí đi lại thông thường cho hầu hết các phương tiện định kỳ hàng tháng bao gồm các khoản như tiền xăng xe, gửi xe, rửa xe… Nếu nhà bạn sử dụng xe ô tô thì sẽ phát sinh thêm một số khoản chi khác như tiền bảo dưỡng xe, phí cầu đường, bảo hiểm, đăng kiểm…

Một số người không sử dụng phương tiện giao thông cá nhân mà sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (sinh viên ở các thành phố lớn đi xe buýt hằng ngày) thì chi phí đi lại phát sinh ít hơn. Ngoài ra còn phải kể đến khoản chi phí dự phòng khi bạn cần đến các phương tiện giao thông thuê ngoài như Taxi, Grab trong trường hợp cần thiết.

Một khoản chi phí đi lại đáng kể nữa đó là tiền mua vé máy bay, tàu hỏa hay vé xe ô tô nếu như bạn ở xa gia đình và có kế hoạch về thăm nhà định kỳ. Tuy nhiên, phần chi phí đi lại này có được phân bổ rạch ròi là chi phí sinh hoạt thiết yếu hay không còn tùy thuộc quan điểm của bạn.

Chẳng hạn bạn nhất định phải về thăm bố mẹ (hay vợ con) hàng tháng thì đây sẽ tính là chi phí thiết yếu. Còn nếu bạn dự định khi nào có điều kiện thuận tiện (kỳ nghỉ lễ, được nghỉ làm, có khoản tiền dư dả…) thì lúc này chi phí đi lại có thể được xếp vào khoản mục chi phí mong muốn (tương tự như cách phân bổ phần chi phí giáo dục như đã đề cập ở trên.

1.6. Chi phí khác

Một số khoản mục chi phí khác như Thuế, Lãi vay nếu có phát sinh cũng sẽ được tính vào khoản mục Chi phí sinh hoạt thiết yếu. Vì đây là nghĩa vụ bạn bắt buộc phải thực hiện nếu bạn có phát sinh phần Thu nhập chịu thuế hay các khoản vay định kỳ phải trả lãi.

Bên cạnh đó còn có các khoản chi khác có tính định kỳ khác nhau, có khoản cần chi hàng tháng, có khoản cần chi hàng quý, hàng năm. Tùy từng kế hoạch tài chính cá nhân mà bạn có thể phân bổ vào khoản mục chi phí thiết yếu hoặc không. Để biết thêm chi tiết chúng ta cùng tìm hiểu thêm về nội dung Chi phí sinh hoạt không thiết yếu ở phần dưới.

2. Chi phí sinh hoạt không thiết yếu

Mua sắm làm chi phí không thiết yếu gia tăng nhanh chóng

Ngược lại với Chi phí sinh hoạt thiết yếu thì Chi phí sinh hoạt không thiết yếu là những khoản chi phí không bắt buộc phải chi tiêu bất kể bạn ở đâu, làm gì hay trong tình trạng như thế nào. Nghĩa là trong hầu hết mọi trường hợp, chi phí sinh hoạt không thiết yếu không ảnh hưởng quyết định tới cuộc sống thường nhật của bạn.

Chi phí không thiết yếu còn có thể gọi là Chi phí mong muốn hay Chi phí xa xỉ… Ngày nay khi mạng xã hội phát triển với nhiều trào lưu và xu hướng được lan truyền mạnh mẽ thì kèm theo đó là một loạt các chi phí sinh hoạt phát sinh. Có một vài khoản mục Chi phí được coi là không thiết yếu đối với đa số mọi người, cụ thể sau đây.

2.1. Chi phí chăm sóc sức khỏe và làm đẹp

          Việc tham gia các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe, tập luyện thể hình đang ngày càng trở nên phổ biến. Bên cạnh hình thức tham gia các lớp tập thể dục cho số đông thì ngày càng nhiều nhiều có nhu cầu sử dụng các dịch vụ tập luyện cao cấp hoặc PT – 1 kèm 1. Chi phí cho khoản mục này là vấn đề không thể bỏ qua trong kế hoạch chi tiêu của bạn.

Hãy xem chúng ta có thể phân bổ khoản khoản chi phí này vào hạng mục nào?

Nếu việc tập luyện là vô cùng quan trọng đối với bạn và bạn chỉ đơn giản tham gia một lớp tập luyện với mức phí định kỳ hàng tháng trong khả năng chi trả thì bạn có thể xếp khoản mục này vào chi phí thiết yếu. Trong các trường hợp còn lại thì bạn nên xếp vào chi phí thiết yếu.

Đối với dịch vụ spa, làm đẹp cũng vậy. Nếu bạn “nghiện” làm đẹp, hoặc công việc của bạn yêu cầu bạn luôn phải chỉn chu và bạn hoàn toàn có khả năng chi trả thì chắc chắn đây sẽ là khoản chi phí thiết yếu để phục vụ cho công việc của bạn. Tuy nhiên phần lớn mọi người cho đây là khoản mục chi phí xa xỉ trong cuộc sống của họ.

2.2. Chi phí du lịch

Chi phí du lịch ngày càng gia tăng trong ngân sách mỗi cá nhân

          Du lịch đang ngày càng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Việt Nam đặc biệt là các bạn trẻ. Có nhiều nhu cầu về du lịch khác nhau: một số người đi du lịch với mục đích nghỉ dưỡng sau những ngày làm việc vất vả, một số người khác đi du lịch để khám phá và trải nghiệm, một số người đi du lịch để kết nối hoặc cải thiện mối quan hệ…

Tần suất đi du lịch của mỗi người là khác nhau, đặc biệt có một số người xem việc du lịch là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Tuy nhiên xét một cách tổng thể thì người viết vẫn bảo vệ quan điểm rằng Chi phí du lịch nên xếp ở khoản mục Chi phí sinh hoạt không thiết yếu.

Cho dù với mục đích gì đi chăng nữa thì bạn cũng cần phải thiết lập ngân sách cho kế hoạch đi du lịch đã được dự tính để chuyến đi trở nên thoải mái nhất đúng với ý nghĩa “du lịch” của nó. Để dành đều đặn hàng tháng hay trích lại một khoản thu nhập bất thường là quyền quyết định của bạn.

Sử dụng voucher du lịch trên các trang web Thương mại điện tử để tiết kiệm chi phí du lịch.

2.3. Chi phí khác

Một vài khoản mục chi phí có thể đã đề cập ở phần trên – Chi phí sinh hoạt thiết yếu cũng có thể phân loại vào Chi phí sinh hoạt không thiết yếu tùy theo quan điểm và thực tế cuộc sống của bạn. Điều này không có đúng – sai tuyệt đối, nó chỉ là việc phân loại theo yêu cầu quản lý chi tiêu của từng cá nhân.

Ví dụ như:

+ Tham gia Bảo hiểm nhân thọ

+ Mua sắm các đồ dùng vật dụng thời trang

+ Chăm sóc thú cưng

+ Thăm hỏi và quà biếu bố mẹ, người thân

+ Học các khóa phát triển bản thân

+ Kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực phẩm chức năng

+ Vui chơi giải trí và quan hệ bạn bè…

Như vậy chúng ta đã cùng tìm hiểu chi tiết về 2 loại chi phí sinh hoạt cơ bản trong đời sống hằng ngày của mỗi cá nhân và gia đình. Sau khi đã thực hiện phân loại các chi phí và phân bổ chi tiết cho từng khoản mục, bạn cần phải lập một Bảng Chi tiêu cá nhân để thực hiện quản lý tài chính cá nhân của mình.

Nếu bạn chưa biết cách lập Bảng chi tiêu cá nhân, hãy Nhấp vào đây để tải file Excel hoàn toàn miễn phí.

Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân về việc phân loại các chi phí sinh hoạt chứ không đi sâu vào vấn đề thực hành tiết kiệm các chi phí như thế nào. Nếu bạn cần tham khảo thêm về những cách thức thực hành tiết kiệm chi phí để thực hiện mục tiêu tối ưu chi tiêu mời bạn tham khảo Các cách tiết kiệm tiền hiệu quả nhé.

Chúc bạn sớm hoạch định được Kế hoạch Tài chính cá nhân thông qua việc hiểu rõ và phân bổ 2 loại Chi phí sinh hoạt phù hợp để sớm đạt được mục tiêu Tài chính của bản thân và gia đình.

Nếu bạn cần trang bị nhiều kiến thức hơn về Quản lý Tài chính cá nhân, hãy ĐẾN NGAY ĐÂY nhé,

Give a Comment