Có thể rằng bạn là một nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm, hoặc có thể bạn là một nhà đầu tư lâu năm, hoặc cũng có thể bạn không tham gia hoạt động đầu tư. Chẳng sao cả. Tuy nhiên, nếu bạn tự cho mình là một nhà đầu tư thì ít nhất bạn nên tìm hiểu cụ thể xem mình đang ở thứ bậc nào trong 7 cấp bậc đầu tư dưới đây.
Bài viết là nội dung phần trích 7 cấp bậc đầu tư trong cuốn sách Dạy con làm giàu 2 – Sử dụng đồng vốn của tác giả bộ sách giáo dục về tài chính nổi tiếng Robert T.Kiyosaki. Cuốn sách xuất bản năm 2016 và hiện giờ vẫn rất phổ biến.
Cấp bậc đầu tư
1. Cấp bậc đầu tư thứ nhất: Người không đầu tư
Những người ở cấp bậc đầu tư đầu tiên này thường không có tiền để đầu tư. Hoặc là họ tiêu hết mọi thứ kiếm được, hoặc là họ chi nhiều hơn thu. Có nhiều người giàu rơi vào cấp bậc này bởi vì họ tiêu xài quá mức họ kiếm được. Điều không may là hết 50% những người lớn đều rơi vào cấp bậc zero này.
Vai trò của Đầu tư – 1 trong 3 Trụ cột tài sản tài chính cá nhân
2. Cấp bậc đầu tư thứ hai: Người đi vay
Những người ở cấp bậc đầu tư này thường giải quyết vấn đề bằng cách đi vay mượn. Thường thường họ đầu tư bằng số tiền vay được. Quan điểm về kế hoạch tài chính của họ là vay quýt trả cam. Họ có thể có vài tài sản đó, nhưng thực tế mức nợ của họ quá nhiều. Hầu như họ không có ý thức gì về tiền bạc và thói quen tiêu xài của mình.
Bất cứ thứ giá trị nào họ làm chủ cũng đều có bóng dáng nợ trong đó. Họ dùng thẻ tín dụng một cách bốc đồng, rồi dồn các khoản nợ tín dụng đó vào khoản nợ nhà dài hạn, “rửa sạch” thẻ tín dụng và bắt đầu dùng tiếp.
Họ cứ nghĩ việc kéo dài nợ ra một thời gian dài là một hành động khôn ngoan, luôn tự đùa với mình rằng họ sẽ làm việc nhiều hơn để kiếm được nhiều tiền hơn và trả hết nợ vào một ngày đẹp trời nào đó. Họ tiêu xài hết những gì họ kiếm được.
Những người ở cấp bậc đầu tư thứ hai còn được coi như là người tiêu dùng. Nếu họ có tiền, họ sẽ tiêu xài ngay. Nếu họ không có tiền, họ cũng đi vay mượn để tiêu xài.
Khi được hỏi vấn đề của họ là gì, họ đều nó họ không kiếm đủ tiền. Họ nghĩ tiền bạc sẽ giải quyết hết mọi khó khăn. Nhưng cho dù họ kiếm được bao nhiêu tiền đi chăng nữa, họ chỉ càng ngập sâu hơn vào nợ. Họ không chịu nhận thấy rằng vấn đề khúc mắc không nhất thiết là số tiền kiếm được (hay thiếu tiền), mà chính là thói quen tiêu xài của họ.
Những người ở cấp bậc đầu tư thứ hai trông có vẻ giàu có. Họ có thể có những căn nhà lớn, lái những chiếc xe bóng loáng đắt tiền. Thế nhưng nếu bạn có cơ hội kiểm tra, bạn thấy họ đều mua những thứ ấy bằng nợ. Họ có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng họ không cách xa mấy sự phá sản nếu có một tai nạn nghề nghiệp xảy ra.
3. Cấp bậc đầu tư thứ ba: Người tiết kiệm
Những người ở cấp bậc đầu tư thứ ba thường để dành một khoản “nhỏ” đều đặn. Họ bỏ tiền vào những công cụ rủi ro thấp, lãi suất thấp như tài khoản tiết kiệm. Những người này thường tiết kiệm để tiêu dùng hơn là để đầu tư (chẳng hạn họ tiết kiệm để mua một tivi mới, chiếc xe mới hay đi du lịch…).
Họ rất trung thành vào việc trả tiền mặt. Họ rất sợ nợ hay tín dụng. Thay vào đó, họ thích sự “an toàn” của tiền bạc để trong ngân hàng. Những người này thường mua gói bảo hiểm nhân thọ bởi vì họ yêu thích cảm giác của sự an toàn và ổn định.
Tiết kiệm là một thói quen tốt. Bạn nên có một nguồn tiền mặt bằng tổng chi phí sinh hoạt từ sáu tháng đến một năm. Thế nhưng sau khi tiết kiệm được khoản tiền đó, hãy nên nhớ có những công cụ đầu tư tốt hơn và an toàn hơn nhiều so với tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng.
Chẳng hạn, bạn bỏ tiền tiết kiệm vào ngân hàng ở lãi suất 5%, trong khi khối người khách kiếm được 15%, đó có phải là một cách đầu tư khôn ngoan không vậy? Thế nhưng, nếu bạn không muốn học cách đầu tư và thường xuyên lo âu về các rủi ro tài chính, thì tiết kiệm là một lựa chọn tốt hơn đầu tư.
Các cách tiết kiệm tiền hiệu quả
4. Cấp bậc đầu tư thứ tư: Người đầu tư ma lanh
Ở cấp bậc đầu tư thứ tư có ba hạng đầu tư khác nhau. Họ thường là những người thông minh, có học thức cao, kiếm được nhiều tiền và chịu đầu tư. Thế nhưng vẫn có sự khác nhau rõ rệt.
+ Những người đầu tư thuộc bậc này tạo thành một nhóm gọi là “không muốn bị làm phiền”. Những người này tự thuyết phục mình là họ không hiểu gì về tiền bạc và sẽ không bao giờ muốn hiểu. Họ chỉ biết bỏ tiền vào kế hoạch hưu trí còn không thì giao hết cho một chuyên viên kế hoạch tài chính.
+ Những người đầu tư “đa nghi”. Bởi vì họ quá “ma lanh” cho nên họ trở nên quá cẩn thận. Họ khôn ngoan đó, nhưng họ lại sợ rủi ro và bị sai lầm, cho nên họ cố học hỏi nhiều hơn để khôn ngoan hơn. Nhưng một khi họ càng biết nhiều, họ chỉ càng thấy nhiều rủi ro hơn, và lại khiến họ miệt mài tìm hiểu nhiều hơn. Sự cẩn thận đa nghi thái quá của họ đã khiến họ cứ lần lữa mãi và làm cho họ chậm hơn so với mọi người.
+ Những người đầu tư “cờ bạc”. Trong khi những kẻ “đa nghi” quá cẩn thận, nhóm này lại quá cẩu thả. Nhóm này không hề có một quy tắc hay một quy luật đầu tư nào cả. Họ muốn hành động như một “tay chơi lớn”, cho nhên họ luôn đóng vai những đại ca lắm tiền cho tới khi họ thắng hay thua hết. Cơ hội thua thường xảy ra nhất.
5. Cấp bậc đầu tư thứ năm: Người đầu tư dài hơi
Những người đầu tư ở cấp bậc đầu tư thứ 5 ý thức rất rõ về sự cần thiết đầu tư. Họ chủ động trong quyết định đầu tư của mình. Họ có thể có một kế hoạch đầu tư dài hạn được vạch sẵn để có thể giúp họ đạt được mục tiêu tài chính của mình. Họ thường tìm tòi và học hỏi trước khi bắt tay thực sự mua một khoản đầu tư nào đó.
Ở cấp bậc đầu tư này, hãy giữ mọi thứ đơn giản. Hãy quên đi những cách đầu tư phức tạp. Chỉ tập trung vào những chứng khoán mạnh và những quỹ đầu tư. Nếu bạn chưa biết gì, hãy học cách mua những khoản đầu tư đóng kín (chứng chỉ quỹ) từ các quỹ đầu tư.
Đối với những người không thích rủi ro, muốn tập trung vào nghề nghiệp chuyên môn hay công việc của mình thay vì bỏ nhiều thời gian học hỏi cách đầu tư, đây là bậc bắt buộc đối với họ nếu như họ muốn sống một cuộc đời giàu có và trù phú. Bậc đầu tư này đòi hỏi sự kiên nhẫn và biết tận dụng thời gian.
Đối với những người ở cấp bậc đầu tư dài hơi, điều quan trọng hơn hết là họ phải đi kiếm tư vấn từ những chuyên gia kế hoạch về tài chính. Những người này có thể giúp bạn vạch ra một chiến lược đầu tư và giúp con đường bạn đi đúng hướng theo cấu trúc đầu tư dài hạn đó.
Đầu tư thông minh – Tài chính thịnh vượng cùng Topi
6. Cấp bậc đầu tư thứ sáu: Người đầu tư chuyên nghiệp
7 loại tài sản đầu tư tài chính hiệu quả
Những người đầu tư ở cấp bậc thứ sáu có “đủ sức” tìm kiếm những chiến lược đầu tư có nhiều rủi ro hơn hay chủ động hơn. Bởi vì họ có thói quen tiền bạc rất tốt, một nền tảng tiền bạc vững chắc và hiểu biết về đầu tư. Họ tập trung chứ không thường đa dạng hoá.
Những nhà đầu tư này biết rõ ràng chính là những thời điểm khi nền kinh tế đi xuống là lúc thị trường đang trao cho họ những cơ hội thành công ngàn vàng. Họ nhảy vào thị trường khi những người khác nhảy ra. Họ thường biết khi nào nên nhảy ra. Ở cấp bậc này, một chiến lược thoát ra còn quan trọng hơn chiến lược nhảy vào thị trường.
Họ rất rõ ràng về những nguyên tắc hay những quy luật của chính họ về đầu tư. Trong khi học chấp nhận rủi ro nhiều hơn một người bình thường, họ rất ghét chuyện cờ bạc. Họ có một kế hoạch và những mục tiêu cụ thể. Họ không ngừng học hỏi mỗi ngày. Họ hiểu rõ tiền bạc và biết cách bắt tiền bạc làm việc cho mình.
Những nhà đầu tư ở cấp bậc đầu tư thứ 6 có một hội đồng giám đốc của chính họ để có thể giúp họ trong việc quản lý tài sản. Họ bỏ khá nhiều tiền cho những cố vấn tài chính vững chắc không chỉ làm tăng tài sản của họ mà còn bảo vệ số tài sản này. Ngay cả khi họ từ giã cõi đời, họ vẫn còn kiểm soát được tài sản của mình.
7. Cấp bậc đầu tư thứ bảy: Người đầu tư thực sự
Mục đích của nhà đầu tư thực sự là tạo ra nhiều tiền hơn bằng cách tổng hợp hài hoà nguồn vốn, tài năng và thời gian của những người khác. Chính những nhà đầu tư thực sự này đã tạo ra công ăn việc làm, chuyện kinh doanh và hàng hoá giúp cho một quốc gia phát triển và thịnh vượng.
Những nhà đầu tư chuyên nghiệp ở cấp bậc đầu tư thứ 7 thường tạo ra những khoản đầu tư cho riêng họ, sử dụng đồng vốn của mình. Trong khi đó, những nhà đầu tư thực sự tạo ra những khoản đầu tư không những cho chính họ mà cho những người khác, sử dụng tài năng và nguồn vốn của mọi người.
Những nhà đầu tư ở cấp bậc đầu tư này thực sự là những người quản lý tiền bạc xuất sắc. Họ làm cho nhiều người khác cùng giàu lên, tạo ra công ăn việc làm, và làm cho mọi thứ có thể thực hiện được.
Trong những giai đoạn nền kinh tế phát triển, chuyện đầu tư và làm ăn của những người ở cấp bậc đầu tư thứ 7 rất suôn sẻ. Trong giai đoạn nền kinh tế bị khủng hoảng và đi xuống, những nhà đầu tư thực sự này lại càng giàu hơn vì họ biết rằng những biến động kinh tế mở ra nhiều cơ hội mới cho họ.
Những nhà đầu tư thực sự thường nghĩ đến những lãi suất từ 100% đến vô hạn. Đó là vì họ biết cách quản lý rủi ro và làm ra tiền mà không cần tiền. Họ có thể làm được điều đó vì họ biết tiền bạc không phải là một thứ đồ vật hữu hình, mà chỉ là một ý tưởng được tạo ra trong đầu họ.
Sau khi đọc xong bài viết, bạn có nhận ra bản thân ở đâu trong 7 cấp bậc đầu tư nói trên không? Và bạn muốn trở thành nhà đầu tư ở cấp bậc nào trong tương lai? Chúc cho bạn sớm đạt được mục tiêu của mình nhé.