Tiền cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn đối với mẹ đơn thân

Tiền cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn đối với mẹ đơn thân

Đối với một người mẹ đơn thân mà nói, sau khi ly hôn thì trách nhiệm và nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái được quan tâm nhiều nhất chính là ở khoản Cấp dưỡng nuôi con.

Chuyện mẹ đơn thân hôm nay đề cập đến một khía cạnh tài chính cá nhân vô cùng quan trọng: đó là Tiền cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn.

ĐẾN NGAY ĐÂY để nghe toàn bộ bài viết trên Spotify.

Cấp dưỡng nuôi con | NgânHQ
Cấp dưỡng nuôi con không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của cha mẹ

Tiền cấp dưỡng nuôi con

1. Chuyện cấp dưỡng nuôi con

Không biết các mẹ khác quan niệm như thế nào, chứ bản thân mình khi quyết định ra Toà ly hôn thì mong muốn duy nhất là Toà án đưa ra văn bản phán quyết Thuận tình ly hôn là điều quan trọng nhất, con cái thống nhất ở với mẹ – hai bên tự thoả thuận nghĩa vụ nuôi con và không phải phân chia bất kỳ tài sản chung nào. Tóm lại tiêu chí là giải quyết nhanh gọn.

Mình có hai cậu con trai, khi mình ly hôn thì con trai lớn học lớp 3 còn con trai nhỏ học lớp 2. Vì thương con không còn nhận được sự chăm sóc đầy đủ của cả bố và mẹ nên mình chủ động nói với bố các cháu rằng sẽ không chia con, ai nuôi con thì nuôi cả hai đứa và mình tự nguyện nhận trách nhiệm này, đề nghị bố các cháu cấp dưỡng nuôi con để đời sống vật chất của các con không bị ảnh hưởng.

Thực sự lúc đó mình nghĩ mọi việc rất đơn giản, rằng bố nào chẳng thương con, nhất là khi con không còn được chung sống cùng với bố. Mình tin tưởng rằng ngoài việc con luôn được bù đắp bằng sự tận tâm chăm sóc dưỡng dục của mẹ thì nhất định sẽ có thêm sự chu cấp vật chất đầy đủ của bố.

Mình và bố trẻ con tuy không phân xử tại Toà về tài sản chung và nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn nhưng cả hai có thực hiện ký kết với nhau một văn bản thoả thuận (không có người làm chứng). Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong bản thoả thuận chính là vấn đề cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn cho đến khi các con đủ 18 tuổi.

Cấp dưỡng nuôi con | NgânHQ
Cấp dưỡng cho con sau ly hôn rất quan trọng với mẹ đơn thân

Khoảng ba năm đầu tiên sau ly hôn, bố các cháu thực hiện tương đối đầy đủ việc cấp dưỡng nuôi con. Ban đầu là đều đặn hàng tháng, sau đó là vài tháng một lần, sau đó nữa là dồn lại lúc nào có thì đưa. Khi ấy, bố các cháu không thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng mà gửi cấp dưỡng nuôi con bằng tiền mặt.

Mình là bộ đội đã nhiều năm, tuy rằng công việc nhàn nhã và ổn định nhưng thu nhập lại hạn chế, ngoài tiền lương cố định mỗi tháng thì không có thêm khoản thu nhập nào nên việc bố trẻ con cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn làm cho mình an tâm về kinh tế và chỉ tập trung vào việc chăm sóc các con.

Khi mà bố trẻ con gửi tiền cho các con đều đặn thì mình đã xem tiền cấp dưỡng nuôi con là một khoản thu nhập ổn định mà mình nhận được hàng quý, mình phân bổ nó cho các khoản chi tiêu có tính định kỳ của con như tiền học, tiền mua sắm quần áo… nói chung là các khoản chi tiêu thiết yếu.

Sau đó thì việc cấp dưỡng nuôi con của bố các cháu không còn mang tính thường xuyên, có khi cả năm không có nhưng đột nhiên lại gửi một khoản. Lý do là gì không quan trọng, cá nhân mình nghĩ rằng thôi vậy cũng tốt, dù sao mẹ con mình cũng có thêm nguồn thu nhập hỗ trợ, còn hơn là chẳng có gì.

Không giống như thời gian trước, lúc này mình xem tiền cấp dưỡng nuôi con là khoản thu nhập bất thường, mình dùng nó cho các khoản chi tiêu phát sinh không mang tính thường xuyên, như tiền bảo hiểm nhân thọ của con, tiền du lịch hay dự phòng cho khoản khám chữa bệnh … đó là các khoản chi tiêu không thiết yếu.

Biến cố hôn nhân thường có tác động không nhỏ tới cuộc sống của người phụ nữ và mình cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Vì hy vọng bản thân có nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống và muốn cho các con có một môi trường sống tốt hơn nên mình quyết định đưa các con chuyển từ Hải Phòng vào Vũng Tàu.

Thay đổi địa điểm sinh sống và làm việc là một quyết định lớn của mình ba năm sau ly hôn. Cuộc sống mới với bao điều khác lạ trong năm đầu tiên của ba mẹ con có thêm nhiều khó khăn chồng chất và thực sự mình rất mong chờ khoản tiền cấp dưỡng nuôi con từ bố các cháu.

Kiếm thêm thu nhập từ kinh doanh Dropshipping với Droppii

Tham gia tiếp thị liên kết giúp bạn kiếm thêm thu nhập

Trong khoảng hai năm sau khi dịch chuyển mình có làm bảng kê chi tiết các khoản chi phí sinh hoạt của hai con hàng quý (lúc này đã học cấp 2) và gửi cho bố bọn trẻ. Anh ấy cũng có thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nhưng vẫn là tuỳ hứng kiểu khi nào có thì đưa, và số tiền cấp dưỡng cũng vơi đi dần theo thời gian.

Những năm trở lại đây, khi hai con trai bước vào giai đoạn nhạy cảm của tuổi dậy thì, lại nối tiếp nhau hết cấp 2 vào cấp 3 nên chi phí sinh hoạt của các cháu gia tăng đáng kể. Và mình luôn nỗ lực để có thể gia tăng các nguồn thu nhập duy trì cuộc sống tốt đẹp cho các con.

Thời gian đầu, ngoài khoản tiền lương ổn định hàng tháng, mình có thêm khoản thu nhập không thường xuyên từ lãi vốn do các giao dịch mua đi bán lại các bất động sản là đất nền mà mình góp vốn chung với bạn bè và một khoản thu nhập nhỏ khác từ đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế chung bị ảnh hưởng sau dịch bệnh và các biến số kinh tế vĩ mô trên phạm vi toàn cầu, các khoản thu nhập của mình bị ảnh hưởng rất lớn. Và việc cố gắng để duy trì cho gia đình nhỏ mức sinh hoạt ổn định đôi khi vượt quá khả năng của mình.

Bên cạnh đó, khoản tiền cấp dưỡng nuôi con từ bố bọn trẻ cũng dần thưa thớt đi, vì bố cháu cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Không còn cách nào khác là mình phải cố gắng xoay xở bằng cách cơ cấu lại tài sản và kiếm thêm các nguồn thu nhập khác nữa.

Chuyện cấp dưỡng nuôi con của mình là như vậy đấy. Còn câu chuyện của bạn thì như thế nào? Hãy chia sẻ nếu có thể nhé.

Tham khảo bài viết về Cấp dưỡng nuôi con theo quy định Pháp luật tại đây

2. Quản lý tiền cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn

“Sau ly hôn, những đứa trẻ thường ở với bố hoặc mẹ. Chúng vốn đã chịu thiệt thòi về tình cảm khi có mẹ thì không có bố, xa cách với anh chị em, lại còn bị thiệt thòi về vật chất. Hiện việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn đang tồn tại nhiều bất cập, thậm chí trở thành “món nợ khó đòi” đối với cả cơ quan thi hành án và người được cấp dưỡng” – Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn giúp trẻ không bị thiệt thòi

Mình viết bài này để chia sẻ câu chuyện cá nhân và đồng cảm với mẹ đơn thân nào đó cùng chung hoàn cảnh. Ở góc độ Quản lý Tài chính cá nhân của chị em đơn thân, mình có lưu ý sau:

– Nếu mẹ nào may mắn nhận được tiền Cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn với mức cấp dưỡng ổn định và đều đặn từ chồng cũ hàng tháng/quý/năm thì có thể xem đó là một khoản Thu nhập thụ động. Tuỳ vào kỳ hạn nhận tiền cấp dưỡng và mức chi phí nuôi con mà có kế hoạch phân bổ khoản thu nhập này cho phù hợp.

– Nếu mẹ nào kém may mắn hơn, thi thoảng mới nhận được khoản Cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn và mức cấp dưỡng không ổn định thì chỉ nên xem đó là một khoản Thu nhập khác và không không nên lệ thuộc vào khoản này khi Lập Kế hoạch Tài chính cá nhân.

– Nếu mẹ nào kém may mắn hơn nữa, không hề nhận được tiền Cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn thì cũng không có gì đáng buồn cả. Hãy xem đó là động lực để phấn đấu, hãy tập trung vào việc tìm kiếm Các nguồn thu nhập cá nhân khác để tìm ra cách thức phù hợp có thể gia tăng thu nhập hoặc thực hiện Các cách tiết kiệm tiền hiệu quả để kiểm soát các khoản thu chi vì cuộc sống tốt đẹp hiện tại và vì tương lai con em chúng ta các mẹ nhé.

********

Các mẹ cần hỗ trợ vui lòng liên hệ để mình có thể chia sẻ nhiều hơn về bí quyết lập Kế hoạch Tài chính cá nhân.

Nếu bài viết hữu ích với bạn, hãy chia sẻ để có nhiều mẹ đơn thân được biết tới; hoặc có điều gì đó chưa được hoàn thiện, bạn vui lòng để lại bình luận hoặc góp ý thêm nhé.

Chúc bạn luôn vững vàng trong cuộc sống!

Give a Comment