Chúng ta ai cũng đều biết đến các Quy luật cuộc sống. Tuy nhiên thứ chúng ta biết chỉ là những quy luật thành văn do con người xây dựng nên. Còn những quy luật cuộc sống bất thành văn hay còn gọi là Quy luật tự nhiên thì sao?
Trong chuỗi bài viết chia sẻ về nội dung bộ sách nổi tiếng Muôn kiếp nhân sinh này, mình sẽ tóm tắt cho các bạn nội dung của một quy luật tự nhiên của cuộc sống đã tồn tại vô hình trong suốt lịch sử loài người mà không phải ai cũng nhận ra điều đó, trước hết là Luật nhân quả.
Quy luật tự nhiên về Luật nhân quả
Có lẽ chúng ta không còn xa lạ với ba chữ Luật nhân quả. Để nói về Quy luật tự nhiên này, chúng ta vẫn thường diễn giải một cách phổ biến, đó là: Gieo nhân nào gặt quả nấy, để nói về những hành vi của một cá nhân nào đó mà chúng ta có ý phê phán hoặc không hài lòng cho dù hành vi đó có gây tổn hại cho chúng ta hoặc không gây tổn hại cho chúng ta.
1. Luật Nhân quả về vận mệnh của con người
Khi tường thuật lại trong Muôn kiếp nhân sinh, bằng những quan điểm cá nhân, tác giả có đề cập đến vấn đề Nhân quả ở một góc nhìn rộng lớn hơn. Nhân quả không còn chỉ giới hạn ở hành vi và sự tác động qua lại giữa các mối quan hệ cá nhân, mà đã mở rộng ra rất nhiều khi nhìn ở góc độ toàn xã hội. Cụ thể, tác giả đưa ra nhận định như sau:
“Số mệnh con người, cũng như tất cả mọi sự xảy ra đều do những nhân đã gây ra từ trước. Bệnh tật cũng thế, phần lớn những bệnh hiểm nghèo cũng đều do những nhân và nghiệp đã tạo ra khi xưa. Sinh mệnh dài hay ngắn đều được sắp đặt bởi Luật nhân quả, nhưng tùy năng lực chiêu cảm của mỗi người mà việc trả quả sẽ xảy ra lúc này hay lúc khác, lúc nhanh, lúc chậm.
Do đó, nếu hiểu biết, người ta có thể thay đổi được số mệnh, cũng như tránh được bệnh tật, bởi vì mệnh số thật ra không cố định. Vận mệnh, tốt hay xấu, may hay rủi, đều không cố định, sinh tử cũng không cố định. Ngay trong tâm của chúng ta cũng đủ các loại hạt giống gọi là chủng tử, tốt cũng như xấu, đã tích tụ từ muôn ngàn kiếp trước.
Tại sao có người luôn gặp chuyện chẳng lành? Vì lúc nào họ cũng tính toán, cũng mang suy nghĩ ghen tức, xấu xa, nên chiêu cảm các hạt giống xấu ẩn trong tâm trí họ được kích hoạt. Nếu con người biết ngăn chặn những ý nghĩ xấu, chỉ suy nghĩ đến điều tốt, làm việc thiện, thì sẽ chiêu cảm những hạt giống lành sẵn có trong tâm nảy sinh, ngăn chặn ảnh hưởng của các hạt giống xấu, không cho chúng khởi phát lên, từ đó mới chuyển đổi được số mệnh.
Càng nhiều hạt giống thiện được sinh sôi thì càng ít hạt giống xấu nảy mầm. Càng làm nhiều việc thiện thì sẽ chuyển đổi càng được nhiều nghiệp quả xấu thành tốt. Cũng giống như người trồng rau, nếu biết bón phân, chăm sóc cẩn thận thì rau sẽ mọc lên tươi tốt, nếu không làm gì thì cỏ dại sẽ mọc lấn át rau trái.
Hiện nay, không mấy ai để ý việc này. Khi sung sướng, giàu sang, người ta có thể không biết suy nghĩ sâu xa mà cho rằng mình tài giỏi nên có quyền được hưởng những tiện nghi đó. Thật ra, những điều họ có được ngày nay đều do những nhân lành đã gieo từ trước mà hiện nay trổ quả, gọi là phước báu.
Có người hưởng phước lớn, có người hưởng phước nhỏ, tùy theo nhân đã tạo. Tuy nhiên phước cũng giống như tiền bỏ vào ngân hàng, nếu cứ tiêu ra mà không bỏ thêm vào thì trước sau cũng hết. Mấy ai đã biết hỏi khi một người hết phước đức thì chuyện gì xảy ra với mình?”
Như bạn đã biết trong các mối quan hệ cũng vậy, chúng ta thường không tránh khỏi sự giận dữ khi gặp phải những điều không mong muốn. Điều này đặc biệt đúng đối với các mối quan hệ tình cảm nam nữ, khi mà mối quan hệ đã kết thúc nhưng người trong cuộc vẫn cảm thấy dắt díu mãi không thoát ra được, người càng không muốn gặp thì lại càng có cơ hội phải đối mặt. Nguyên nhân sâu xa là bởi vì:
“Anh oán trách nên anh tức giận, anh tức giận nên anh càng vướng mắc. Nếu tiếp tục với tâm oán hận này, nó sẽ là nhân xui khiến anh gặp lại những người đó. Không ai muốn gặp người mình không ưa, không ai muốn gặp lại kẻ đã đối xử tàn tệ với mình, nhưng nếu cứ giữ tư tưởng hận thù thì sẽ tạo thêm mối liên hệ với người đó.
Nếu không gặp nhau ở kiếp này thì sẽ gặp tại kiếp khác. Tất cả những người có thù oán với nhau sẽ gặp lại nhau để trả nợ hay đòi nợ. Nhân quả cứ thế kéo dài, không sao hết được. Anh phải biết, một khi tâm sân hận nổi lên thì sẽ có hàng trăm, hàng ngàn chủng tử bất thiện trong tâm cũng phát khởi theo, sinh biết bao chướng ngại.
Do đó, anh phải tập phát triển lòng từ bi, khoan dung với mọi người. Dù họ tàn ác hay xấu xa đến đâu cũng phải khởi lòng thương xót. Họ có nghiệp quả của họ và sẽ phải học bài học riêng. Nghiệp quả của họ không phải là việc của anh, anh phải để cho nhân quả làm việc. Anh phải biết buông bỏ đi thì mới không vướng mắc nữa. Dù gặp việc không như ý cũng đừng trách người mà hãy tự trách mình.
Hãy tự hỏi vì sao anh có những việc không như ý? Phải chăng vì các nhân gây ra từ xưa đã đến lúc trổ quả? Anh cần tự hỏi tại sao mình lại bị đối xử tàn tệ? Tại sao sinh ra thân phận nô lệ? Tại sao yêu mà không được đáp lại, còn bị mắng chửi nhục nhã?
Hiển nhiên, những việc như thế có thể quá nặng nề với anh vào lúc đó nhưng nếu nhìn lại các kiếp xa xưa hơn nữa, có lẽ anh sẽ biết được căn nguyên và không còn phản ứng như thế. Đó là lý do tôi không nên trách người mà hãy tự trách mình.”
Đến ngay đây để xem thêm bài viết về Phúc phận trong cuộc đời
2. Luật nhân quả trong vấn đề bệnh tật
Nói về bệnh tật, hẳn các bạn đều nhận thấy rõ một thực tế là Trái đất của chúng ta ngày càng xuất hiện nhiều dịch bệnh, các loại bệnh dịch xuất hiện với tần suất dày hơn và mức độ nguy hiểm cao hơn. Điều đó được lý giải theo Luật nhân quả như sau:
“… Hầu hết mọi bệnh tật xảy ra đều do con người gây ra chứ không phải do ai khác, càng không phải do Thượng đế. Bệnh tật bắt nguồn từ việc con người không sống thuận theo các luật lệ hài hòa và quân bình của tự nhiên. Đa số đều sống bằng cảm xúc, bị các cảm xúc như giận dữ, hận thù, ghen ghét, tham lam, ích kỷ chi phối nên bệnh tật theo đó mà kéo đến.
Do đó việc chữa trị bệnh tật cũng phải thông qua việc kiểm soát các cảm xúc này, bắt đầu từ điều chỉnh cách ăn uống, tiết kiệm sinh lực, thay đổi cách sống, bớt hận thù, giận dữ, tham lam và ích kỷ, sau đó kết hợp sử dụng các liều thuốc từ các loài thảo mộc, cây cỏ có dược tính để tái tạo sự quân bình cho cơ thể.
Các mầm bệnh này đều liên quan đến các cảm xúc từ bên trong, chúng nằm sẵn trong con người chỉ chờ cơ hội thuận tiện để phát sinh. Những người không biết kiểm soát các cảm xúc tiêu cực như lo lắng, giận dữ, hận thù hay tham lam, ích kỷ đều mang sẵn những mầm bệnh này. Dĩ nhiên chúng không phát sinh ngay khi con người còn khỏe mạnh nhưng sẽ phát sinh khi cơ thể bắt đầu suy yếu và đến khi đó có thể quá muộn.
Do đó muốn chữa bệnh cần phải chú ý đến cả hai yếu tố, sử dụng thuốc men cho điều hòa thân xác nhưng muốn chữa tận gốc thì phải quan tâm đến nguyên nhân bên trong. Nói khác đi, nếu chỉ chữa bệnh về mặt thể chất thì chưa đủ, mà còn phải lo cả tinh thần nữa.
Nếu con người biết ngăn chặn những ý nghĩ xấu, chỉ suy nghĩ đến điều tốt lành, làm việc thiện, thì sẽ chiêu cảm những hạt giống lành sẵn có trong tâm nảy sinh, ngăn chặn ảnh hưởng của các hạt giống xấu, không cho chúng khởi phát lên – từ đó mới chuyển đổi được số mệnh. Càng nhiều hạt giống thiện được nảy sinh thì càng ít hạt giống xấu nảy mầm. Càng làm nhiều việc thiện thì sẽ chuyển đổi được càng nhiều nghiệp quả thành tốt.
Thế giới này có lẽ sẽ không trở về như xưa được nữa. Những lá phổi của hành tinh này đang bị huỷ hoại, dịch bệnh chết người kỳ lạ đang lan rộng, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn và nguy cơ chiến tranh lại chực chờ với những mâu thuẫn ngầm nhiều năm sắp bùng phát. Tất cả những điều chúng ta đang chứng kiến chỉ là những cú rung lắc khởi đầu cho những cơn địa chấn thật sự.”
Con người đã huỷ diệt hành tinh xanh này nhanh chưa từng thấy. Chỉ trong vài chục năm ngắn ngủi, địa cầu đã bắt đầu bước vào đợt tuyệt chủng thứ sáu. Thiên tai, dịch bệnh sẽ ngày càng trở nên khủng khiếp và xảy ra thường xuyên hơn, đe doạ mạng sống con người. Tương lai sẽ còn những tai ương khó lường, mực nước biển dâng cao khi những tảng băng khổng lồ ở hai đầu cực tan nhanh, có thể giải phóng rất nhiều mầm bệnh đã chôn vùi hàng triệu năm…
Hiện nay, các loại dịch bệnh ghê gớm đang xuất hiện ngày một nhiều hơn, để lại hậu quả ngày một khủng khiếp hơn. Nếu nhìn lại lịch sử, sẽ thấy có những sự trùng hợp xảy ra. Hầu hết dịch bệnh đều xuất hiện sau những trận chiến tranh, trong triều đại vua chúa tàn ác hay trong một xã hội mà con người sống điên đảo, bất phân thị phi.
Trong suốt lịch sử nhân loại, đã biết bao lần con người trên trái đất này phải đối phó với các loại dịch bệnh hoành hành, gây muôn cảnh tang thương, nhưng một khi qua khỏi, họ lại tiếp tục những thói quen từ trước mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh vừa qua. Trong thời buổi khoa học thì người ta chỉ quy lỗi cho vi trùng, vi rút, không mấy ai tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa, gốc rễ khác.
Có những dịch bệnh bắt nguồn từ sự giết chóc như bệnh dịch hạch, bệnh đậu mùa… Nhưng cũng có dịch bệnh phát xuất từ sự luyến ái bừa bãi như bệnh giang mai, hoa liễu hay từ sự trụy lạc vô độ như bệnh AIDS. Tương tự như thế, dịch bệnh Ebola hay SARS gần đây, đều là sự cảnh báo về thói tham lam quá độ của con người, chiếm đoạt thiên nhiên, phá rừng, xẻ núi, bắt giết thú hoang phục vụ cho nhu cầu ẩm thực.
Thiên nhiên đã phản ứng lại bằng những loài vi khuẩn, vi rút sống trên thân thể sinh vật, rồi truyền nhiễm vào con người, tạo ra các dịch bệnh kỳ lạ. Có thể thời tiền sử cũng có dịch bệnh từ trâu bò, gà vịt lây qua người, nhưng theo thời gian, con người tạo ra được hệ thống miễn dịch nên ngày nay chúng ta ăn thịt các sinh vật này mà không bị ảnh hưởng, trong điều kiện chúng được chăn nuôi hợp vệ sinh.
Tuy nhiên các động vật hoang dã thì khác, chúng có thể mang những loại virut, vi trùng mà chúng ta chưa có sức đề kháng. Chẳng hạn, nguyên nhân sâu xa của bệnh dịch Ebola bắt nguồn từ sự giết chóc trong các cuộc chiến giữa nhóm phiến quân châu Phi, đó là nghiệp giết chóc. Nguyên nhân sâu xa của dịch bệnh SARS là sự tham lam vô độ của con người, hay là nghiệp tham lam.
Nếu chúng ta không biết rút kinh nghiệm từ thảm họa này, tương lai sẽ có những bệnh dịch ghê gớm hơn nữa. Khi dịch bệnh phát tán, trở thành đại dịch của nhân loại, lan ra không khí, truyền khắp thế giới, giết hại phần lớn nhân loại, thì không còn ai có thể ngăn chặn được nữa.”
3. Quy luật tự nhiên về Tương lai nhân loại
Bên cạnh đó là hệ quả của sự phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ.
“Các phát kiến của khoa học kỹ thuật luôn có hai mặt, tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ và các ngành thương mại khác luôn đi cùng với sự hao tổn tài nguyên thiên nhiên.
Nói về tương lai nhân loại, tác giả nhấn mạnh nỗi lo con người bị chia cắt, cô độc bởi công nghệ. Sự phát triển quá nhanh bởi công nghệ và sự lạm dụng sản phẩm công nghệ đã khiến con người bị mê hoặc, cô lập khỏi thế giới thật, mất đi sự kết nối giữa con người và con người.
Chúng ta thấy trên đường, bến xe đầy những con người vừa di chuyển vừa dán mắt vào màn hình điện thoại, trong quán cafe hay chốn công cộng, người ta trò chuyện với nhau thì ít mà tương tác với đồ chơi công nghệ thì nhiều.
Trong những gia đình, vợ chồng, con cái có những lúc ngồi bên nhau nhưng mỗi người một chiếc điện thoại, chẳng buồn để tâm đến nhau và đánh mất những kết nối gia đình thiêng liêng.
Công nghệ đã dựng lên những bức tường ngăn cách vô hình giữa con người với con người, khiến sự kết nối nhân tính và thẩm mỹ, văn hoá đại chúng xuống dốc. Thời gian sống của chúng ta đã san sẻ cho chiếc màn hành nhỏ bé đó quá nhiều mà quên đi một thế giới rộng lớn đang hiện hữu.
Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều thứ, đánh mất nhiều thứ, trong đó đáng tiếc nhất chính là những cảm xúc tự nhiên, những kết nối yêu thương. Tình người là nền tảng cho văn minh nhân loại, nay đang dần mất đi trong mỗi con người…
Thế giới như căn nhà đang bùng cháy mà con người sống trong đó vẫn cảm thấy vô can. Người ta chỉ biết sợ khi tai hoạ xảy đến với chính mình. Hiện nay, đa số vẫn quy lỗi cho thiên nhiên, đất trời. Họ cho rằng bão tố, sóng thần, lụt lội, núi lửa phun trào, hạn hán, dịch bệnh lạ đều do tự nhiên tạo ra, không phải do con người.
Không con người nào có thể tạo ra được động đất hay bão tố được. Logic của mọi người là thế. Họ không hiểu rằng tất cả mọi sự xảy ra trên trái đất này đều tương quan chặt chẽ với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu nghĩ rằng con người không có trách nhiệm gì với những thiên tai đó thì chính là thiếu hiểu biết và vô cảm.
Xuyên suốt lịch sử, các cường quốc lớn chưa bao giờ thực sự đoàn kết, cùng ngồi lại với nhau để tìm đi hướng đi chung. Có những quốc gia đang gia tăng ảnh hưởng, tham vọng và mưu đồ, còn các quốc gia nhỏ khác thì cũng đang vất vả tự lo liệu.
Mọi giá trị về tốt xấu, đúng sai được đặt ra là nhằm tạo trật tự cho xã hội. Đó chỉ là những ước lệ mang tính tương đối và được mọi người chấp nhận mà thôi, nhưng chính bạn sẽ phải tự xác định điều gì là đúng, điều gì là sai rồi lựa chọn hành động cho mình. Dĩ nhiên đôi khi bạn sẽ gặp những trường hợp mơ hồ, khó xử, khiến bạn không quyết định được. Vì điều đúng ở nơi này lại có thể sai ở nơi khác, tại xứ này điều đó là tốt nhưng ở xứ khác điều đó lại là không chấp nhận được.
Khi gặp trường hợp khó xử như thế thì hãy quyết định theo tiêu chuẩn đạo đức bằng cách tự hỏi điều này có gây thiệt hại, thương tổn cho người khác không. Nếu làm gì cũng chỉ chăm chăm có lợi cho mình bất kể tổn hại người khác thì quyết định đưa ra chắc chắn sai lầm.
Khi một biến cố nào đó xảy ra thì người ta rất dễ đổi lỗi cho ai đó khác. Nhưng tình trạng loạn lạc của xã hội là do con người mù quáng, tham làm tranh giành chứ không phải Thượng đế trừng phạt ai hết. Lúc làm chuyện xấu thì không chịu suy nghĩ, cứ làm bừa bãi bất kể mọi sự nhưng khi hậu quả xảy đến thì chỉ biết lạy lục cầu xin, mong được chuộc tội. Liệu có ích gì? Do đó, điều cần nhớ là đừng bao giờ làm gì mà không nghĩ đến hậu quả.
Mọi việc xảy ra đều theo quy luật nhân quả. Dĩ nhiên đã có nhân thì sẽ đến lúc nhận quả, nhưng thời gian có thể không cố định do sự thay đổi tư duy và hành động của con người.
Nếu chung ta có thể cùng nhau chuyển hóa những tư tưởng thù hận, tham lam, ích kỷ bằng những tư tưởng cao thượng, tốt lành, chuyển hóa các hành động độc ác, giết chóc bằng tình thương yêu rộng lớn thì tất cả mọi việc đều có thể thay đổi.
Một khi mỗi cá nhân có thể sửa đổi nghiệp quả của mình bằng cách làm việc thiện lành thì một tổ chức hay một quốc gia cũng có thể làm như vậy để chuyển nghiệp và có sự thay đổi tốt đẹp hơn.”
Bài viết trên đây hoàn toàn trích từ nội dung của cuốn sách Muôn kiếp nhân sinh – Phần 2, với mong muốn mang đến cho mọi người một góc nhìn khác về các vấn đề đang diễn ra phổ biến trong xã hội hiện đại. Đây là những nội dung mà bản thân mình rất tâm đắc về những gì liên quan đến Quy luật tự nhiên trong cuộc sống. Bài viết chỉ bày tỏ quan điểm đồng tình của cá nhân với tác giả chứ không dám đưa ra bình luận gì.
Rất mong sự đóng góp ý kiến từ các bạn để mình hoàn thiện và tiếp tục chia sẻ thêm nhiều nội dung khác nhé.