ĐẾN NGAY ĐÂY để nghe bài viết trên Spotify
Con bạn có chơi game không? Tần suất con chơi game nhiều hay ít? Con phản ứng như thế nào mỗi khi bạn nhắc nhở hoặc yêu cầu con dừng chơi? Bạn có thích nghi được với việc con chơi game quá nhiều mà bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở?…
Con trai mình có chơi game. Con chơi game quá nhiều. Và mình đã đối diện với việc này như thế nào? Mời bạn đọc chi tiết nội dung bài viết ở đây nhé.
Nuôi dạy con tuổi dậy thì và các rối loạn tâm sinh lý ở trẻ
Quản lý cảm xúc trong quá trình nuôi dạy con
Con chơi game quá nhiều
1. Con bắt đầu chơi game như thế nào?
Chơi game là việc hết sức phổ biến không chỉ trong giới teen mà cả một bộ phận không nhỏ những người đã trưởng thành (không phân biệt giới tính). Trẻ con chơi game giải trí là hoàn toàn bình thường, tuy nhiên con chơi game quá nhiều đến mức “nghiện” và quên hết mọi thứ xung quanh đang là vấn đề “nhức não” của đa số các bậc phụ huynh trong xã hội hiện đại.
Trước thời điểm toàn xã hội thực hiện lockdown do dịch Covid bùng phát dữ dội năm 2021, con trai lớn của mình chỉ chơi game ở “cấp độ giải trí” – nghĩa là con chỉ chơi vào những lúc rảnh rỗi và được mẹ cho phép sử dụng thiết bị điện tử.
Vào thời gian này con đang học kỳ cuối của năm học lớp 8. Con chưa có điện thoại và máy tính cá nhân. Mỗi lần con chơi game thì con phải “mượn” thiết bị điện tử của mẹ và con cũng tuân thủ giờ giấc chơi sử dụng máy theo sự cho phép của mẹ. Thực sự vào thời điểm này, không có nhiều khó khăn cho mình mỗi khi yêu cầu con dừng chơi game.
Việc con chơi game tiến triển nhanh kể từ hè năm lớp 8 và trở nên khó kiểm soát sau khi học kỳ 1 năm học lớp 9 kết thúc (vào đầu năm 2022). Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid. Suốt cả mùa hè năm 2021 con chỉ ở nhà chơi game, việc học trực tiếp bị gián đoạn. Đỉnh điểm là con học online nguyên học kỳ 1 năm lớp 9 tại nhà, đây là cơ hội để con nâng cao trình độ game thủ.
Con trở lại trường học khi bước vào kỳ 2 của năm học cuối cấp – một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp học hành. Lúc này việc con chơi game đã không chỉ còn là trò giải trí nữa mà đã trở thành một sở thích, một thói quen hằng ngày của con. Con đã có những phản ứng không giống như bình thường thậm chí còn gay gắt khi mẹ đề nghị tắt máy hay thu lại thiết bị điện tử.
Tuyệt chiêu dạy con thời hiện đại
Điều làm mình lo lắng đó là việc con chơi game quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới việc học tập, đặc biệt con đang phải ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp cấp 2 và thi vào cấp 3. Thêm vào đó là sự lo lắng cho sức khỏe của con, từ đôi mắt đến não bộ, thậm chí mình lo sợ những hành động trong game có thể tái diễn trong cuộc sống hàng ngày.
Mình thật sự hoang mang khi thấy con chơi game với thời lượng ngày càng gia tăng, thậm chí con đến quán nét để chơi game khi bị mẹ hạn chế chơi ở nhà. Cũng có khi con chơi một mình, có khi chơi cùng bạn; có khi con xin phép mẹ mà cũng có khi trốn đi chơi rồi về nói dối là đi học về muộn.
Có một sự thật là khi con chơi game ở nhà thì rất khó khăn cho mình mỗi lần thu lại thiết bị, và quan hệ mẹ con dần trở nên căng thẳng.
Đến ngay đây để tìm hiểu về khóa học dành cho người làm cha
2. Quan điểm của con về việc chơi game.
Khi con chưa chơi game, mình rất an tâm và tự hào rằng mẹ con mình không có giấu nhau chuyện gì, mỗi ngày trước khi đi ngủ đều tâm sự trò chuyện các thể loại trên đời. Từ ngày con mượn máy chơi game để “thư giãn” mỗi tối sau giờ học đến trước khi đi ngủ thì mình đều bị căng thẳng vì “đòi máy” mãi mới được.
Mình đã thử chơi game để xem mấy trò này cuốn hút thế nào nhưng thực sự mình không có thời gian, không có đủ kiên nhẫn nữa. Mình có tìm hiểu trên Internet nhưng vẫn không tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Trẻ con được gì khi chơi game quá nhiều?”.
Mình có hỏi con về lý do con thích chơi game thì con nói rằng: con rất thoải mái vì được làm những gì mình thích khi tham gia các “cuộc chiến đấu” đó, và con được tận hưởng cảm giác trở thành kẻ mạnh trong khi có rất nhiều kẻ phải nể nợ mình, con còn được “sống thật” hơn so với cuộc sống thực tế.
3. Phương án giải quyết vấn đề con chơi game quá nhiều.
Câu chuyện con chơi game quá nhiều đã làm mình “đau đầu nhức não” suốt một thời gian dài. Và mình quyết tâm đi tìm phương án giải quyết.
Thật tình cờ trong thời gian nghỉ dịch ở nhà, mình được một người bạn kết nối tới một khóa học tâm lý online có chủ đề về chữa lành và cải thiện các mối quan hệ.
Thực sự lúc đầu mình cũng không quan tâm tới khóa học, nhưng do nghỉ dịch rảnh rỗi, và cũng tò mò muốn tìm hiểu xem có gì hay ho không nên mình đã đăng ký tham gia khóa học gồm 4 buổi tối online.
Khóa học có tên gọi là “Cân bằng cảm xúc”. Đây là một khóa học mang tính chất “Khóa học phễu” do đơn vị đào tạo tổ chức miễn phí nhằm thu hút học viên đến với khóa học chính thức có tên gọi “Hành trình hạnh phúc”.
Sau 4 buổi online với khóa học phễu, mình cảm nhận được một số kiến thức mà diễn giả chia sẻ đã chạm đến vấn đề của mình hiện tại, thế là mình đăng ký tham gia khóa học chính thức có kèm theo dịch vụ “coaching chữa lành”, nghĩa là mình đã gặp gỡ online 1-1 với chuyên gia tâm lý 3 buổi sau khóa học.
Khóa học Hành trình hạnh phúc mang lại cho mình một vài ý tưởng và cách nhìn nhận mới trong các mối quan hệ gia đình trong đó có mối quan hệ mà mình đang lưu tâm nhất, đó là mối quan hệ với các con của mình.
3 buổi trò chuyện với chuyên gia tâm lý giúp mình có cảm giác như đã xóa bỏ bớt đi cách nhìn nhận và những suy nghĩ kém tích cực đối với cùng một vấn đề. Trong phạm vi bài viết này, mình sẽ tập trung vào mối quan hệ giữa mình với con, xoay quanh vấn đề con chơi game quá nhiều.
Nhìn nhận khách quan và công bằng mà nói: con trai mình xưa nay ngoan, vâng lời mẹ; học hành tuy không xuất sắc nhưng chưa bao giờ khiến mẹ phải lo lắng. Và mối quan hệ của mình với con hoàn toàn tốt đẹp.
Điều duy nhất được gọi là vấn đề, đó là mẹ không thích (và không muốn) con chơi game nhiều đến mức không kiểm soát được giờ giấc, hay nói cách khác là con không quản lý được thời gian. Chính vì vậy, mình không cấm đoán con chơi game, chỉ nhắc nhở con và thể hiện rõ sự quyết liệt khi con sử dụng thiết bị điện tử quá giờ quy định.
Tuy nhiên trong lòng mình luôn muốn con thay đổi – mình thực sự không muốn con chơi game quá nhiều nữa và ưu tiên thời gian cho việc học tập cũng như rèn luyện thể dục thể thao.
Khoá học chữa lành mối quan hệ hiệu quả
Sau khi tiếp cận với những quan điểm mới từ khóa học tâm lý, mình thấy rõ tầm quan trọng của việc cải thiện một mối quan hệ trong gia đình. Tất cả mọi việc dù cho kết quả như thế nào cũng không quan trọng bằng duy trì một mối quan hệ tốt đẹp giữa mọi người với nhau.
Và chìa khóa của vấn đề đó là: Hãy thay đổi mình trước khi muốn người khác thay đổi.
Mình dần chợt nhận ra rằng việc con chơi game không phải là một việc gì đó cá biệt và mình cũng không phải quá căng thẳng vì điều đó. Và việc phụ huynh mong muốn con không chơi game quá nhiều không phải chỉ là của cá nhân mình mà đây là vấn đề của rất nhiều bậc cha mẹ khác trong xã hội hiện đại.
Mình cũng bình tâm để nhận ra rằng: điều cần thiết nhất không phải là mình muốn con ngừng chơi game ngay lập tức mà đó chính là mình cần quen với hình thức vui chơi giải trí mới của con – một cách giải trí do con tự tìm thấy, không phải là cách giải trí do mẹ định hướng và lựa chọn như từ trước đến giờ vẫn vậy.
Mình đã không còn gay gắt với con mỗi khi yêu cầu con tắt máy hay con chơi game quá nhiều và quá giờ quy định. Để làm được điều này, bản thân mình phải luôn tự nhủ: mục đích của mình là gì? Mục đích của mình là con ngừng chơi game một cách vui vẻ và mình vẫn giữ được hình ảnh “một người mẹ tâm lý”.
Mỗi tối chuẩn bị đến giờ đi ngủ là mình lại nhẹ nhàng nhắc con tắt máy. Tiếp theo đó mình cho con sự lựa chọn: “Con định chơi thêm bao lâu nữa thì nghỉ?”. Thông thường là 3’ hay 5’, nếu con nói không đủ thì mình cho chọn lại là 5’ hay 10’. Tất nhiên con sẽ chọn khung thời gian lớn nhất và mình vui vẻ chờ đợi con chơi game thêm khoảng thời gian đó.
Không phải lúc nào con cũng thực hiện đúng như cam kết, có nhiều khi 10’ kéo dài đến tận 20-30’ nhưng mình không vì thế mà bực bội hay nổi nóng, tuyệt nhiên vẫn cố gắng kiên trì chờ con đồng thời không ngừng nhắc lại việc con cần phải nghỉ vì đã hết giờ. Việc này đúng là không dễ dàng và mình hoàn toàn phải dùng ý chí để kiểm soát sự nổi nóng của bản thân.
Trong suốt hai tháng ôn thi trước khi con tốt nghiệp lớp 9 mình đã kiên nhẫn thực hiện như vậy. Kết quả đạt được là: con vẫn tắt máy đi ngủ đúng theo mong muốn của mình (dù là muộn hơn chút) và mẹ con vẫn giữ thái độ vui vẻ chúc nhau ngủ ngon sau khi đã lên giường và tắt điện.
Có thể bạn muốn biết Hành trình 30 Ngày trở thành người cha truyền cảm hứng
Kỳ thi vào cấp 3 năm đó, con đỗ vào trường chuyên của thành phố. Điều đó khiến con tự tin hơn vào khả năng học tập của bản thân, con có đủ lý lẽ để chứng minh với mẹ rằng việc con chơi game không hề ảnh hưởng tới kết quả học tập và mình đã không còn ác cảm với bộ môn giải trí này nữa.
Có một điều bất ngời là sau khi kết thúc kỳ 1 năm lớp 10, con nói với mẹ rằng: kết quả học tiếng Anh của con cải thiện xuất phát từ nguyên nhân là 70% do con chơi game còn chỉ có 30% là do con ôn luyện. Cô giáo dạy tiếng Anh cũng công nhận với mình khả năng nhiều là như vậy vì các kỹ năng nghe và đọc của con rất tốt.
Và chia sẻ với bạn một kết quả đáng ghi nhận trong kỳ thi chứng chỉ Ielts, con đã đạt tổng điểm 7.5 trong đó 2 kỹ năng Reading và Listening đều đạt điểm 8.5. Đây cũng là 2 kỹ năng con “rèn luyện” nhiều nhất khi chơi game.
Bây giờ thì mình chỉ còn nhắc nhở con chơi game như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe như không thức quá khuya để chơi, không mải chơi mà bỏ ăn… để con giữ được nề nếp sinh hoạt điều độ. Còn việc con chơi game đã không còn là vấn đề lớn nữa.
Vì mình là mẹ đơn thân nên mọi việc trong gia đình mình phải tự quán xuyến và giải quyết tất cả. Mình chia sẻ với các bạn câu chuyện của mẹ con mình để bạn tham khảo. Nếu như bạn đang gặp phải tình huống con chơi game quá nhiều và bạn chưa biết phải làm thế nào thì hãy thử làm theo cách của mình. Nhớ là hãy kiên trì và không được nổi nóng nhé.
Bạn có thể tham khảo một số khóa học Quản trị cảm xúc dưới đây:
Thấu hiểu và chuyển hóa cơn giận
Hành trình yêu thương – chữa lành và xử lý cơn nóng giận
Hạnh phúc là một hành trình. Chúc bạn luôn vui vẻ trên hành trình của mình.