Trong thế giới nhanh chóng và phức tạp của thị trường tài chính, việc Thua lỗ chứng khoán là khá quen thuộc với số đông các nhà đầu tư. Bản thân mình đã từng đánh mất 300 triệu đồng trong trạng thái hoang mang tột độ khi thị trường chứng khoán điều chỉnh.
Vào thời điểm đó, số tiền ấy không chỉ đơn thuần là một con số trên bảng số nợ, mà nó còn là biểu thị sự thất bại và thất vọng của mình trong việc đầu tư. Mình đã đối mặt với cảm xúc bi quan, tự trách bản thân, hoang mang và sợ hãi… những thứ cảm xúc mà chỉ những người từng trải qua việc Thua lỗ chứng khoán mới có thể hiểu được.
Mình quyết định viết bài này không để bóc mở những ký ức đau buồn, mà để chia sẻ những bài học quý báu mà mình đã học từ sự thất bại đó. Hãy cùng đi vào cuộc hành trình này, để tìm hiểu cách mình đã thất bại, cảm nhận sự tiếc nuối và hy vọng để cuối cùng có thể rút ra những bài học nhớ đời để tránh Thua lỗ chứng khoán.
Đầu tư Chứng Khoán theo phương pháp CANSLIM
Thua lỗ chứng khoán
1. Câu chuyện Thua lỗ chứng khoán
Vào thời điểm bị Thua lỗ chứng khoán, mình mới chính thức bước chân vào thị trường chứng khoán được vài năm. Nói là vài năm nhưng thực ra mình chưa có tích lũy được bao nhiêu kiến thức, chưa nói là kinh nghiệm.
Giống như trong phần giới thiệu về Ngân HQ mình đã ghi rõ: Mình là một người bình thường – một nữ quân nhân với thu nhập hạn chế – một người mẹ đơn thân với rất nhiều áp lực cuộc sống… Như nhiều người phụ nữ khác, mình luôn nỗ lực để đảm bảo tương lai tài chính ổn định.
Ngoài nghề nghiệp chính chiếm trọn thời gian là bộ đội, mình luôn trăn trở phải tìm thêm một công việc gì khác để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Sau một thời gian dài tiếp cận với một số lĩnh vực, mình nhận ra sự hấp dẫn ở Thị trường tài chính và công việc Đầu tư chứng khoán thực sự đã cuốn hút mình.
Mình hiểu rằng để có thể ở trên thị trường lâu dài và tránh bị Thua lỗ chứng khoán cần phải có rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Và mình cũng đã tham gia một vài khoá học từ online đến offline để chuẩn bị cho mình hành trang đầy đủ trên con đường đầu tư tài chính nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng.
Cũng như nhiều người mới đầu tư khác, trong hành trình đó, mình cũng đã gặp phải Thua lỗ chứng khoán. Và 200 triệu là số tiền lớn nhất mình đã Thua lỗ chứng khoán trong giai đoạn thị trường điều chỉnh và điều đó đã trở thành một bài học đắt giá trong cuộc đời đầu tư của mình.
Cụ thể đó là vào khoảng thời gian cuối năm 2021 và đầu năm 2022, khi danh mục đầu tư của mình chiếm tỷ trọng lớn là cổ phiếu của CTCP tập đoàn Hoà Phát – mã chứng khoán HPG.
Đa số mọi người tham gia đầu tư chứng khoán đều biết đến mã cổ phiếu Bluechip đình đám này. Bản thân mình đã từng biết đến Hoà Phát thực tế từ những năm 2000, khi mà tiền thân doanh nghiệp chỉ là một công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực nội thất văn phòng nhưng rất thành công và có mức độ phủ sóng tốt ở nhiều tỉnh thành phía Bắc.
Chính vì tin tưởng vào nền tảng cơ bản của doanh nghiệp, tin vào hệ thống lãnh đạo có tầm nhìn và năng lực, cũng như tin vào kỳ vọng sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai mà mình lựa chọn chiến lược “Mua và nắm giữ cổ phiếu HPG trong dài hạn”.
Vì là nhà đầu tư mới, muốn tự mình giao dịch độc lập nên mặc dù có tham gia một số room khuyến nghị nhưng mình ít khi làm theo mà thường tự mày mò tìm hiểu rồi đưa ra quyết định đầu tư của cá nhân. Mình cũng thử nghiệm cùng lúc một vài chiến lược theo các phong cách đầu tư chứng khoán khác nhau với mục đích tìm ra phong cách hiệu quả nhất để thực hiện lâu dài.
Với niềm tin chủ quan về cổ phiếu của CTCP tập đoàn Hoà Phát, mình đã quyết định mua cổ phiếu ở vùng giá 42.000đ vào thời điểm đầu tháng 10 năm 2021. Sau khi mua và nắm giữ cổ phiếu được chừng 5 tuần, cổ phiếu đi ngang tích luỹ ở vùng giá 42.000 – 44.000đ. Lúc này, mình tự tin là đã ra một quyết định đúng đắn và an tâm nắm giữ cổ phiếu lâu dài.
Có lẽ do chưa từng bị Thua lỗ chứng khoán nặng nề bao giờ nên tâm trạng đầu tư của mình rất thoải mái. Những ngày tiếp theo đó, mình gần như không hề quan tâm tới cổ phiếu Hoà Phát mà dành thời gian để nghiên cứu trading các cổ phiếu khác theo một chiến lược đầu tư khác.
Sau đó cổ phiếu HPG bắt đầu giảm giá, mình đơn giản chỉ nghĩ rằng cổ phiếu điều chỉnh lên xuống là chuyện bình thường. Thậm chí đã là cổ phiếu giá trị thì nên mua gia tăng khi giá cổ phiếu điều chỉnh giảm. Tuy nhiên lúc này mình tài khoản của mình không có dư tiền mặt nên đã không xảy ra hiện tượng mua trung bình giá xuống.
Rồi cổ phiếu rơi với biên độ lớn ngày 10 và 11 tháng 11 năm 2021. Mình vẫn ung dung cho rằng không có vấn đề gì, giảm nhanh thì tăng lại cũng nhanh. Cổ phiếu mạnh thì chẳng có lý do gì mà phải lo sợ. Và trong hai ngày tiếp theo đó, giá lại đi ngang, điều này khiến cho mình nghĩ cổ phiếu đã điều chỉnh xong và an tâm nắm giữ.
Oh my God, chỉ vài ngày tiếp theo, giá HPG giảm một cách nhanh chóng như chiếc xe lao xuống dốc mà mất phanh. Lúc này mình bắt đầu hoang mang khi tài khoản cứ giảm dần mỗi ngày mà không biết nên đưa ra quyết định như thế nào: Giữ cổ phiếu, lỡ nó tiếp tục xuống thì sao mà Bán cổ phiếu, lỡ bán xong nó hồi phục thì sao? Khái niệm Thua lỗ chứng khoán đã dần hiện lên trong tâm trí mình mỗi ngày.
Cứ như vậy mỗi ngày trôi qua mình không biết phải làm như thế nào, thậm chí cố tình bỏ quên tài khoản này không dám nhìn đến nữa. Mặt khác, chủ ý của mình là tự đầu tư nên gặp tình huống này cũng không dám hỏi ai, vì sợ và xấu hổ.
Bên cạnh đó, với suy nghĩ rằng mấy ai tham gia thị trường mà không bị Thua lỗ chứng khoán nên mình có tâm lý “buông xuôi”, nhất định nắm giữ chờ giá cổ phiếu tăng lại. Và cứ như vậy, mình kiên trì nắm giữ cổ phiếu HPG cho dù trong khoảng thời gian đó có vài phiên giá cổ phiếu hồi phục nhẹ nhưng mình vì không có đủ kiến thức và kinh nghiệm nên đã bỏ qua.
Một lý do quan trọng nữa là mình không đủ dũng cảm để cắt lỗ khi giá cổ phiếu đã giảm quá sâu, điều mà người ta vẫn gọi là “cắt máu”. Điều an ủi duy nhất của mình lúc này đó là toàn bộ giá trị tài khoản của mình là tiền mặt mà mình có, không margin, không vay mượn nên “an tâm, không sợ”.
Cho đến ngày 23 tháng 12 năm 2021, khi chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam VNIndex lại giảm một phiên với biên độ giá và thanh khoản lớn thì giá cổ phiếu HPG lại một lần nữa giảm theo. Lúc này thị trường đứng trước giai đoạn bước vào kỳ nghỉ lễ nên lại thêm tâm lý bán tháo như mọi người thường nói, tỷ lệ Thua lỗ chứng khoán trên thị trường đang ngày một gia tăng.
Sự kiên nhẫn của mình đã không còn giới hạn. Tài khoản đã âm tới gần 20%, với giá trị tuyệt đối gần 150 triệu đồng – một con số không thể khiến cho con người ta có thể giữ vững niềm tin tâm lý được nữa. Lúc này mình chỉ nghĩ được duy nhất một điều: rằng không biết thị trường chung còn giảm về đâu, và cổ phiếu HPG mình đang nắm giữ liệu có khả năng đi ngược thị trường hay không?
Nghĩ được như vậy mình quyết định bán hết số cổ phiếu HPG mà mình đã nắm giữ và nuôi dưỡng sự kỳ vọng mấy tháng nay. Cứ nghĩ đến từ Thua lỗ chứng khoán là mình lại thấy một điều gì đó rất khủng khiếp. Sau khi bán xong, mình tạm đóng tài khoản chứng khoán đã giao dịch cổ phiếu này, rút toàn bộ tiền ra và thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Diễn biến tiếp theo của giá cổ phiếu thì mình không nhắc đến nữa. Chỉ còn lại cảm giác ngậm ngùi, tiếc nuối vì lần đầu tiên “Xuống tất tay” thì bị Thua lỗ chứng khoán đậm như vậy. Cả cảm giác buồn bã mà không dám chia sẻ với ai nữa.
2. Những bài học từ Thua lỗ chứng khoán
Sau này khi nhìn nhận lại quá trình đầu tư và Thua lỗ chững khoán HPG cũng như với một số cổ phiếu khác với các quyết định mua – bán – nắm giữ – cắt lỗ… trong một thời gian ngắn mình mới nhận ra những bài học lớn mà một nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm cần chú ý. Và mình mạnh dạn chia sẻ lại với các bạn.
2.1. Học từ những quyết định sai lầm
Mình đã nhìn nhận lại toàn bộ quá trình đầu tư sau lần Thua lỗ chứng khoán lớn, đánh giá các yếu tố lựa chọn cổ phiếu và các quyết định giao dịch đã thực hiện. Điều này giúp mình nhận ra những sai lầm cụ thể, đó là:
+ Không xác định đúng về bản chất nội tại của một cổ phiếu: Có thể một cổ phiếu có cơ bản tốt nhưng cần phải đặt trong bối cảnh đặc trưng của ngành. HPG là một cổ phiếu nguyên vật liệu xây dựng có tính chu kỳ, sự tăng trưởng của cổ phiếu phụ thuộc vào từng giai đoạn khác nhau của nền kinh tế.
+ Không phân bổ tỷ trọng danh mục đầu tư hợp lý: Việc mình dành phần lớn danh mục vào HPG đã khiến tài khoản nhanh chóng bị hao hụt do cổ phiếu giảm giá mạnh. Chính vì tỷ trọng lớn nên số tiền thua lỗ cũng lớn, điều đó có tác động mạnh mẽ đến việc mình ra quyết định nên bán cắt lỗ hay tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.
+ Không tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ khi giá cổ phiếu giảm mạnh: Bảo toàn tài khoản luôn là một nguyên tắc được coi trọng hàng đầu của các nhà đầu tư kỳ cựu. Do vậy, tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ là điều mà chúng ta cần phải ghi nhớ và kiên quyết thực hiện. Nếu như mình mạnh dạn thực hiện cắt lỗ từ sớm thì đã không bị Thua lỗ chứng khoán nhiều đến như vậy.
2.2. Xây dựng chiến lược lựa chọn cổ phiếu
Sau khi bị Thua lỗ chứng khoán HPG, mình đã thay đổi cách nhìn nhận. Thay vì chỉ dựa vào niềm tin về doanh nghiệp và những sự kiện có thể nhìn thấy được, mình đã học cách xây dựng một chiến lược lựa chọn cổ phiếu đầy đủ hơn. Điều này không chỉ bao gồm việc phân tích cơ bản về doanh nghiệp mà còn phải kết hợp với các yếu tố kỹ thuật của sự vận động giá cổ phiếu.
Một vài câu hỏi cần phải trả lời đầy đủ trước khi ra quyết định mua cổ phiếu đầu tư như sau:
+ Mua cái gì?
+ Mua khi nào?
+ Mua ở mức giá nào?
+ Mua như thế nào?
+ Mua với tỷ trọng ra sao?
+ Khi nào nên bán?
+ Xử lý như thế nào khi thị trường bất ổn?…
Lên danh mục và trả lời được hết các câu hỏi này chắc chắn bạn có thể ra được một quyết định đầu tư mà sự Thua lỗ chứng khoán được bảo đảm hạn chế hơn.
2.3. Chỉ đầu tư bằng tiền nhàn rỗi của mình
Có lẽ mọi người đều nghe đến khái niệm Margin trong đầu tư chứng khoán. Margin được ví như con dai hai lưỡi, một mặt nó có thể mang lại khoản lợi nhuận kỳ vọng lớn nếu như việc đầu tư thuận lợi, ngược lại nó cũng có thể đưa tới những khoản Thua lỗ chứng khoán nặng nề.
Sau thương vụ đầu tư cổ phiếu HPG, mình nhận ra một điều vô cùng may mắn đó là mình chỉ dùng tiền cá nhân để mua cổ phiếu mà tuyệt nhiên không dùng đến tài khoản margin. Sự thực tại thời điểm đó mình chưa biết cách sử dụng Margin nên mình cũng không dám “liều”. Và điều đó góp phần giảm thiểu cho mình sự mất mát tài chính.
Do vậy nếu như mới đầu tư thì bạn chỉ nên giao dịch trong phạm vi tài chính đang có, không nên margin tài khoản, thậm chí cũng không nên vay mượn để đầu tư. Mình chắc chắn rằng việc này sẽ giúp bạn giảm Thua lỗ chứng khoán.
2.4. Chỉ đầu tư với một số vốn nhỏ ban đầu
Đầu tư mà chưa có nhiều kinh nghiệm thì khả năng Thua lỗ chứng khoán thông thường sẽ cao hơn nhất là khi để tâm trạng “tham lam” lấn át. Những suy nghĩ kiểu như “Liều ăn nhiều” hay “Xuống tất tay” luôn xuất hiện trong tâm trí khiến nhà đầu tư không đưa ra một quyết định đúng đắn khi xuống tiền.
Do vậy, một bài học vô cùng quan trọng đó là nhà đầu tư mới – chưa có nhiều kinh nghiệm chỉ nên tham gia thị trường với một số vốn nhỏ để đảm bảo quản trị rủi ro. Khi nào cảm thấy công việc đầu tư mang lại hiệu quả và thực sự tự tin với các quyết định đầu tư của mình thì mới nên gia tăng tỷ trọng.
Trong thương vụ đầu tư cổ phiếu HPG, mình thực sự đã bị lòng tham chi phối và đã sử sử dụng vốn “quá liều”, 80% tài khoản của mình dành cho mã cổ phiếu này và cái kết giống là sự Thua lỗ chứng khoán giống như câu chuyện mình vừa kể ở trên. Đúng là một sự mất mát thương đau.
2.5. Chú ý đến các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế
Niềm tin về nền tảng cơ bản của doanh nghiệp chính là lý do để mình mua cổ phiếu HPG. Sau này nghĩ lại mình thấy thật ngớ ngẩn khi nghĩ rằng niềm tin về doanh nghiệp là bảo chứng cho một quyết định đầu tư. Bởi vì một cổ phiếu không chỉ vận động một cách độc lập, mà nó còn ở trong mối quan hệ với ngành cũng như quan hệ với các yếu tố vĩ mô khác.
Mình nhận ra rằng thiếu kiến thức về tương quan ngành hay các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế là điều quan trọng dẫn đến sự Thua lỗ chứng khoán. Bởi vì những lý do sau đây:
+ Mỗi ngành nghề có một đặc thù riêng, có ngành vận động theo tính chu kỳ (vật liệu xây dựng, bất động sản, ngân hàng…), có ngành mang tính phòng thủ (điện, nước, y tế…) , lại có ngành phụ thuộc nhiều vào sự biến động của giá cả hàng hóa đầu vào (dầu khí).
+ Các chính sách quản lý vĩ mô của Nhà điều hành (bao gồm chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ) có tác động rất lớn đến sự biến động của thị trường chứng khoán nói chung và giá cổ phiếu nói riêng. Đặc biệt lãi suất là một yếu tố vô cùng nhạy cảm, chỉ một thông tin có thể không chính thức về sự thay đổi của lãi suất cũng có thể làm cho thị trường biến động không ngừng.
Lựa chọn một cổ phiếu tốt để nắm giữ chưa chắc đã giúp bạn thoát khỏi Thua lỗ chứng khoán nếu như bạn không đặt cổ phiếu đó trong mối quan hệ chung với thị trường.
Những bài học của mình trên đây có thể không giúp bạn tránh hoàn toàn việc Thua lỗ chứng khoán, nhưng mình tin rằng nó có thể giúp bạn giảm thiểu rủi ro và tạo thêm niềm tin cho bạn ở trên thị trường lâu dài.
Hãy nhớ rằng đầu tư tài chính đặc biệt đầu tư chứng khoán luôn là một cuộc hành trình dài hơi, và nếu như bạn có thất bại hay Thua lỗ chứng khoán thì những bài học từ đó có thể trở thành nền tảng cho sự thành công của bạn trong tương lai. Miễn là bạn xây dựng được chiến lược đầu tư của riêng mình và kiên trì thực hành với nó.
Những khóa học online hiệu quả bạn nên tham khảo trước khi quyết định đầu tư chứng khoán.
Tự do tài chính cùng chứng khoán
Phân tích kỹ thuật Căn bản đến Nâng cao trong đầu tư chứng khoán
ĐẾN NGAY ĐÂY nếu bạn muốn được hỗ trợ Lập kế hoạch Tài chính cá nhân và tự tin với các chương trình đầu tư gia tăng tài sản.