Bảng cân đối tài sản cá nhân – Hướng dẫn chi tiết cách lập (Kèm mẫu)

Bảng cân đối tài sản cá nhân – Hướng dẫn chi tiết cách lập (Kèm mẫu)

Bạn đã từng nghe đến Bảng cân đối tài sản cá nhân? Bạn biết gì về vai trò quan trọng của nó trong quản lý Tài chính cá nhân? Bạn có muốn tìm hiểu chi tiết hơn về lập bảng này cũng như cách thức sử dụng nó hiệu quả nhất? Nếu đúng như vậy thì bài viết này là dành cho bạn.

Bảng cân đối tài sản | NgânHQ
Sử dụng Bảng cân đối tài sản để xác định Tài sản ròng

Bảng cân đối tài sản cá nhân 

1. Tài sản ròng

Chúng ta thường nghe nói đến Bảng cân đối kế toán trong Báo cáo tài chính định kỳ của các doanh nghiệp, cho ta thấy tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn tạo nên tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định theo quy định của doanh nghiệp.

Khi đọc Bảng cân đối kế toán, các nhà đầu tư thường quan tâm nhiều tới mối tương quan giữa khoản Nợ phải trả so với Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp được cho là có sức khoẻ tài chính tốt nếu tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu ở mức an toàn. Bảng cân đối tài sản cá nhân cũng tương tự như vậy.

Bảng cân đối tài sản cá nhân cho ta thấy tổng quát toàn bộ giá trị tài sản mà bạn đang nắm giữ và nguồn tạo nên tài sản đó chính là các khoản Nợ mà bạn đã huy động được. Phần chênh lệch giữa tài sản bạn đang nắm giữ với tổng Nợ mà bạn huy động được là giá trị tài sản thực có, phần này được gọi là Tài sản ròng (hay còn gọi là Tài sản thuần).

Ví dụ: Bạn đang sở hữu một căn nhà có giá thị trường là 2,5 tỷ. Để mua được căn nhà này bạn phải vay ngân hàng 800 triệu. Như vậy 2,5 tỷ là giá trị tài sản mà bạn có, 800 triệu là giá trị tài sản mà bạn Nợ, phần chênh lệch 1,7 tỷ (2,5 tỷ – 800 triệu) chính là Tài sản ròng của bạn.

Hoặc bạn mới mua một chiếc xe ô tô có giá thị trường là 750 triệu. Anh trai của bạn cho bạn mượn (không lãi suất) số tiền là 300 triệu. Như vậy 750 triệu là giá trị tài sản mà bạn có, 300 triệu là giá trị tài sản mà bạn Nợ, phần chênh lệch 450 triệu (750 triệu – 300 triệu) chính là Tài sản ròng của bạn.

Tài sản ròng của một cá nhân cũng giống như Vốn chủ sở hữu của một doanh nghiệp. Hiểu một cách đơn giản nhất, giá trị Tài sản ròng chính là số liệu trả lời cho câu hỏi: “Thực sự bạn có bao nhiêu tiền?”. Xây dựng Bảng cân đối tài sản cá nhân sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.

Tuy nhiên trên thực tế, có rất ít người hiểu rõ về ý nghĩa của giá trị Tài sản ròng.

Để tính toán được Tài sản ròng, bạn phải căn cứ vào Bảng cân đối tài sản cá nhân. Chỉ có xây dựng Bảng cân đối tài sản bạn mới có thể thực hiện được việc Quản lý Tài chính cá nhân một cách hiệu quả.

Sơ đồ dưới đây minh hoạ sự hình thành Tài sản ròng của một cá nhân.

Công thức tính Tài sản ròng của một cá nhân

2. Tài sản Có trên Bảng cân đối tài sản cá nhân

2.1. Tài sản đầu tư

2.1.1. Tài sản đầu tư tài chính

Trên Mục tài sản Có của Bảng cân đối tài sản cá nhân thông thường sẽ có:

# Sổ tiết kiệm: Sản phẩm đầu tư tài chính rất quen thuộc với tất cả mọi người. Đây là sổ giữ tiền của cá nhân ở ngân hàng, người gửi tiền sẽ nhận tiền lãi theo kỳ hạn thoả thuận khi gửi tiền.

# Chứng chỉ tiền gửi: Một loại giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ tổ chức và cá nhân. Chứng chỉ tiền gửi có giá trị như một Sổ tiết kiệm nhưng tính thanh khoản thấp hơn, nói cách khác bạn khó có thể tất toán Chứng chỉ tiền gửi trước hạn.

# Vàng: Sản phẩm đầu tư mang tính truyền thống của rất nhiều người dân Việt Nam, nhà đầu tư mua bán vàng dựa vào sự biến động của giá bán để kiếm lợi nhuận.

# Bảo hiểm nhân thọ: Sản phẩm của công ty bảo hiểm nhân thọ nhằm bảo vệ tài chính cho người được bảo hiểm trước các rủi ro liên quan sức khỏe, thân thể và tính mạng. Sản phẩm Bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư của các công ty bảo hiểm hiện tại mang lại một khoản bảo tức rất tốt.

# Chứng chỉ quỹ đầu tư: Một loại chứng khoán nhằm xác nhận quyền sở hữu một phần vốn góp của nhà đầu tư trong quỹ đại chúng. Quỹ đại chúng được hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích đầu tư kiếm lợi nhuận từ thị trường chứng khoán.

  • Bạn có thể tải ứng dụng TOPI để quản lý- đầu tư chứng chỉ quỹ ở đây.

# Trái phiếu: Một loại chứng khoán được phát hành bởi Chính phủ hoặc doanh nghiệp, chứng nhận nghĩa vụ Nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu Trái phiếu  đối với một số tiền cụ thể với một lợi tức quy định trong một khoảng thời gian xác định. Người sở hữu Trái phiếu được gọi là Trái chủ.

# Cổ phiếu: Một loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khi tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Người nắm giữ cổ phiếu trở thành cổ đông và đồng thời là chủ sở hữu của công ty phát hành.

Tìm hiểu chi tiết hơn về 7 loại tài sản đầu tư tài chính hiệu quả gia tăng thu nhập.

2.1.2. Tài sản đầu tư bất động sản

Tài sản Có trên Bảng cân đối tài sản cũng bao gồm các khoản tài sản liên quan tới bất động sản, gồm có:

# Bất động sản dòng tiền: Là sản phẩm bất động sản có thể thuộc sở hữu hoặc không thuộc sở hữu của bạn nhưng bạn có thể cho thuê và nhận được doanh thu theo chu kỳ (tháng, quý, năm), bao gồm: nhà ở, đất nền, nhà xưởng…

# Bất động sản khác: Là các sản phẩm bất động sản không tạo ra dòng tiền, bạn chỉ có thể nhận lãi vốn từ bất động sản thông qua các giao dịch chuyển nhượng mua đi bán lại và hưởng chênh lệch giá.

2.1.3. Tài sản trí tuệ

Tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình do bạn sử dụng trí tuệ để sáng tạo ra và có khả năng mang lại giá trị về tiền bạc cho bạn. Ví dụ như tác phẩm văn học, nghệ thuật, ý tưởng; bản ghi âm, blog cá nhân…

Nếu bạn đang có thì khoản mục tài sản này có mặt ở phần tài sản Có của Bảng cân đối tài sản của bạn.

Các nội dung trên Blog cá nhân Nganhq.com chính là tài sản trí tuệ của Ngân ở thời điểm hiện tại. Trong nội dung bài viết này, Ngân chưa cập nhật phần tài sản này vào Bảng cân đối tài sản cá nhân của mình.

Các loại tài sản Có thường được tập trung ở Tháp tài sản

2.2. Tài sản tiêu dùng

Các khoản tài sản tiêu dùng trên Mục tài sản Có của Bảng cân đối tài sản cá nhân gồm:

2.2.1. Tài sản tiêu dùng sinh lợi

Là tài sản mà bạn đang sử dụng (có thể thuộc sở hữu hoặc không thuộc sở hữu của bạn) và đồng thời tạo ra doanh thu cho bạn, Ví dụ: xe ô tô bạn sử dụng để đi làm hàng ngày và bạn tranh thủ chạy Grab vào cuối tuần để kiếm thêm thu nhập.

2.2.2. Tài sản tiêu dùng không sinh lợi (Tiêu sản)

Là tài sản mà bạn đang sử dụng và không mang lại bất kỳ khoản thu nhập nào cho bạn, không những thế bạn còn mất thêm chi phí để sử dụng tài sản đó. Ví dụ: Cùng là chiếc xe ô tô ở trên nhưng bạn chỉ sử dụng để đi làm, giá trị khấu hao làm giảm dần nguyên giá của chiếc xe.

3. Tài sản Nợ trên Bảng cân đối tài sản cá nhân

Tài sản Nợ trên Bảng cân đối tài sản cá nhân bao gồm Nợ tín dụng và các khoản Nợ khác.

3.1. Nợ tín dụng

3.1.1. Nợ thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng là một sản phẩm ngân hàng cho phép bạn có thể mua sắm hàng hoá và dịch vụ trước trong hạn mức tín dụng được cấp theo thoả thuận với ngân hàng phát hành và bạn được phép thanh toán lại khoản đó sau. Bạn sẽ không phải trả lãi suất trong một khoảng thời gian nhất định. Khoản Nợ tín dụng này ngày càng phổ biến trên Bảng cân đối tài sản cá nhân.

3.1.2. Nợ thế chấp, tín chấp

# Nợ thế chấp là khoản Nợ đến từ việc một cá nhân dùng tài sản của mình để đảm bảo cho một khoản vay từ tổ chức tín dụng (thường là ngân hàng), cá nhân vẫn còn quyền sở hữu đối với tài sản đó trong suốt thời gian vay thế chấp.

# Nợ tín chấp là khoản Nợ đến từ việc một cá nhân có thể vay tiền từ tổ chức tín dụng mà không cần tài sản đảm bảo. Ngân hàng sẽ xét duyệt uy tín của người vay để xác định thời hạn vay và số tiền vay. Thông thường, lãi suất vay tín chấp sẽ cao hơn lãi suất vay thế chấp.

Các khoản Nợ thế chấp, tín chấp dù nhiều hay ít đều phải được liệt kê đầy đủ và chi tiết trên Mục tài sản Nợ của Bảng cân đối tài sản của bạn. Điều này giúp bạn dễ dàng quản lý hơn, từ đó có kế hoạch xử lý Nợ một cách dễ dàng.

3.2. Nợ khác

# Là khoản Nợ được hình thành không phải do vay từ các tổ chức tín dụng, mà xuất phát từ các mối quan hệ xung quanh bạn (Vay cá nhân). Chẳng hạn như bạn được gia đình người thân hoặc bạn bè hỗ trợ cho vay (mượn) một khoản tài chính nào đó, bạn có thể phải trả lãi hoặc không trả lãi nhưng không cần dùng đến tài sản đảm bảo.

# Một vài khoản tiêu dùng cá nhân mà bạn sử dụng nhưng bạn được phép thanh toán sau hoặc thanh toán trả góp, thường là các sản phẩm dịch vụ được nhà cung cấp ưu đãi để khuyến khích tiêu dùng như khoá học tiếng Anh, khoá tập gym, gói trị liệu spa…

Như vậy, tất cả các yếu tố xác định Tài sản ròng nói trên được thể hiện trên Bảng cân đối Tài sản cá nhân.

Click vào đây để tải ngay mẫu Bảng cân đối tài sản cá nhân file excel.

*********

Ví dụ về Bảng cân đối Tài sản cá nhân của người viết tháng 12/2019.

Minh họa chi tiết Bảng cân đối tài sản cá nhân

Bảng cân đối Tài sản cá nhân này cho thấy, tại thời điểm ngày 31/12/2019:

– Mình đang sở hữu tổng giá trị tài sản là: 2.130.000.000 đồng, trong đó giá trị các khoản Nợ do đi vay từ các nguồn là: 820.000.000 đồng, giá trị tài sản ròng (tiền của mình) thực có là: 1.510.000.000 đồng.

– Danh mục Tài sản đầu tư tài chính bao gồm:

+ Sổ tiết kiệm: 100.000.000 đồng, khoản tiền này mình dùng làm quỹ dự phòng tài chính.

+ Bảo hiểm nhân thọ: 250.000.000 đồng, là giá trị hoàn lại của tất cả các Hợp đồng BHNT do mình đứng tên.

+ Cổ phiếu: 150.000.000 đồng, là giá trị tài khoản đầu tư chứng khoán (bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu).

– Danh mục Tài sản tiêu dùng: căn hộ chung cư theo giá thị trường là 1.600.000.000 đồng.

– Danh mục Nợ tổ chức tín dụng bao gồm duy nhất khoản Nợ thế chấp: mình dùng tài sản đảm bảo là Căn hộ chung cư đang ở (định giá tại thời điểm vay là 1.600.000.000 đồng) để thế chấp cho khoản vay 600.000.000 đồng ở ngân hàng ACB.

– Danh mục các khoản Nợ khác bao gồm:

+ Nợ do người thân cho mượn tiền dài hạn để mua nhà, không phải trả lãi là 200.000.000 đồng.

+ Nợ tiền học tiếng Anh của cô giáo là 20.000.000 đồng (cô ưu ái cho nộp vào cuối khoá là tháng 2/2020).

Như vậy, việc lập Bảng cân đối tài sản cá nhân giúp mình xác định chính xác giá trị Tài sản ròng mà mình thực có vào thời điểm ngày 31/12/2019 là 1.310.000.000 đồng.

Tương tự với bạn cũng vậy. Việc lập Bảng cân đối tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thực hiện Quản lý Tài chính cá nhân của bạn. Căn cứ vào Tài sản ròng, bạn có căn cứ để Lập kế hoạch Tài chính cá nhân và Xây dựng danh mục đầu tư hợp lý.

Nếu bạn có mong muốn được hỗ trợ để xây dựng một Kế hoạch Tài chính cá nhân đầy đủ và tối ưu, vui lòng liên hệ với Ngân để được tư vấn sớm nhất.

Give a Comment