Bảng Chi tiêu cá nhân – Hướng dẫn chi tiết cách lập (Kèm mẫu)

Bảng Chi tiêu cá nhân – Hướng dẫn chi tiết cách lập (Kèm mẫu)

Bạn có biết Bảng Chi tiêu cá nhân là một công cụ đơn giản mà hữu ích để Quản lý Tài chính cá nhân?

Nếu như bạn chưa bao giờ nghĩ đến việc phải sử dụng một bảng Chi tiêu cá nhân để kê khai tất cả các nguồn thu nhập cũng như các khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình thì bài viết này chính là dành cho bạn.

Bảng Chi tiêu cá nhân | NgânHQ
Sử dụng Bảng kê chi phí sinh hoạt trong quản lý TCCN

Bảng Chi tiêu cá nhân 

Nội dung Bảng Chi tiêu cá nhân trong phần chia sẻ này được chia làm hai phần:

1. Bảng chi tiêu cá nhân thứ nhất: Bảng kê Chi phí sinh hoạt

Bước đầu tiên của việc lập Bảng Chi tiêu cá nhân là tập hợp các nội dung chi tiêu vào Bảng kê Chi phí sinh hoạt, mục đích của việc liệt kê tất cả các khoản mục chi phí là để dễ dàng kiểm soát chi tiêu hơn.

Bảng kê chi phí sinh hoạt là một công cụ quản lý tài chính cá nhân giúp bạn theo dõi các khoản chi tiêu hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Bảng kê này cho phép bạn biết chính xác số tiền bạn đã chi tiêu và phân tích chi tiêu của mình theo từng danh mục và làm căn cứ để xây dựng Bảng chi tiêu cá nhân.

Để tạo một Bảng kê chi phí sinh hoạt, bạn có thể sử dụng một bảng tính như Microsoft Excel hoặc Google Sheets. Bạn có thể tạo các cột cho các danh mục chi tiêu như thực phẩm, điện nước, đi lại, giải trí và các khoản chi khác… Trong mỗi cột, bạn có thể ghi lại số tiền bạn đã chi tiêu vào các ngày khác nhau.

Việc phân loại các chi phí trong Bảng kê chi phí sinh hoạt – Bảng chi tiêu cá nhân nên được cụ thể chi tiết cho từng cá nhân trong gia đình theo từng khoản mục. Như vậy bạn sẽ có căn cứ để xem xét điều chỉnh chi tiêu theo mục đích quản lý thu chi đã dự định trước đó.

Khi bạn đã có Bảng kê chi phí sinh hoạt, bạn có thể phân tích các khoản chi tiêu của mình để xem những gì bạn đang chi tiêu nhiều nhất và tìm cách tiết kiệm chi phí. Bạn có thể đặt một mục tiêu tiết kiệm cho bản thân và cố gắng giảm chi tiêu hàng tháng để đạt được mục tiêu này.

Từ các dữ liệu thống kê từ Bảng kê chi phí sinh hoạt, bạn sẽ hoàn thiện Bảng Chi tiêu cá nhân bằng cách thiết lập Bảng kê Thu nhập Chi phí.

Tìm hiểu chi tiết về 2 loại chi phí sinh hoạt.

2. Bảng chi tiêu cá nhân thứ hai: Bảng kê Thu nhập Chi phí

Bước tiếp theo của việc lập Bảng Chi tiêu cá nhân là tổng hợp các danh mục chi phí sinh hoạt đồng thời với việc tổng hợp các danh mục Thu nhập vào Bảng kê Thu nhập Chi phí, mục đích của việc tổng hợp này là để xác định Dòng tiền thực sự mà bạn có.

Về bản chất, Bảng kê Thu nhập Chi phí cũng tương tự như Báo cáo kết quả kinh doanh của một Doanh nghiệp. Nhìn vào đó bạn có thể thấy được các khoản tiền vào (Thu nhập) và ra (Chi phí) từ đó tính toán được Dòng tiền – một khái niệm vô cùng quan trọng thể hiện sức khỏe tài chính của bạn.

Bảng kê Thu nhập Chi phí gồm có hai phần:

+ Phần Thu nhập: Bạn thực hiện kê khai tất cả các khoản Thu nhập mà bạn có được trong tháng hoặc trong năm tùy thuộc vào nhu cầu quản lý Tài chính của bạn.

Để có thể phân loại chi tiết các khoản thu nhập bạn có thể tham khảo bài viết Các nguồn thu nhập.

+ Phần Chi phí: Sau khi đã thực hiện phân bổ các khoản mục Chi phí trong Bảng kê chi phí sinh hoạt, bạn tổng hợp và kê khai đầy đủ vào từng khoản mục trên Bảng kê Thu nhập – Chi phí.

Nếu bạn còn chưa biết phân bổ chi phí như thế nào mời bạn Đến ngay đây để tìm hiểu về 2 loại Chi phí sinh hoạt.

**********

Phần dưới đây người viết sẽ ví dụ về Bảng chi tiêu cá nhân của mình năm 2020.

Bảng Chi tiêu cá nhân | NgânHQ
Bảng kê tổng hợp các nguồn tiền vào ra trong tháng

Nhìn vào bảng trên, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ từng khoản mục thu chi, cụ thể như sau:

1. Phần Thu nhập trong Bảng chi tiêu cá nhân

1.1. Thu nhập chủ động

– Thu nhập từ công việc chính: Là tổng thu nhập mình nhận được do nghề nghiệp chính của mình mang lại, đó là tất cả tiền lương mà cơ quan trả cho mình trong năm, tổng cộng được 144 triệu. Công việc chính của mình gần như chỉ có tiền lương mà không có thêm bất kỳ khoản phụ cấp nào khác.

– Thu nhập từ công việc khác: Thời điểm này mình có làm tư vấn viên cho công ty Bảo hiểm MB Ageas Life và 60 triệu là toàn bộ thu nhập trong năm mình nhận được từ công việc này. Khoản thu nhập tuy không lớn nhưng cũng đủ cho mình chi trả toàn bộ các khoản phí Hợp đồng bảo hiểm của gia đình trong năm.

– Thu nhập khác, gồm có 2 khoản:

+ Cấp dưỡng: 60 triệu là khoản tiền bố của trẻ con gửi cho con trong năm. Đối với các mẹ đơn thân, khoản cấp dưỡng nuôi con chiếm vai trò quan trọng trong tổng thu nhập. Trong trường hợp của mình, khoản thu nhập này không mang tính định kỳ và đều đặn nên được xếp vào mục Thu nhập khác.

Nếu bạn cần biết chi tiết hơn về cách phân bổ khoản cấp dưỡng nuôi con mời bạn Đến ngay đây để xem bài chia sẻ về Tiền cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn.

+ Lãi vốn từ giao dịch tài sản: 210 triệu là khoản chênh lệch giữa giá mua và giá bán mà mình nhận được từ một vài giao dịch mua đi bán lại các bất động sản trong năm. Đây là một khoản thu nhập không phát sinh thường xuyên nhưng lại chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập.

1.2. Thu nhập thụ động

Năm 2015 mình tham gia đầu tư chứng khoán trở lại với số vốn ban đầu tương đối nhỏ. Do chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nên sau 5 năm mình vẫn trung thành với chiến lược đầu tư cơ bản, “ăn chắc mặc bền”.  Đó là mình lựa chọn phương pháp đầu tư nắm giữ một danh mục cổ phiếu ổn định để nhận cổ tức hằng năm và một tỷ lệ gia tăng giá trị an toàn.

Tất nhiên giá cổ phiếu vào thời điểm lập Bảng kê Thu nhập Chi phí này có tăng so với thời điểm mua, tuy nhiên khoản lợi nhuận đó không được mình ghi vào Báo cáo Thu nhập chi phí vì nó là khoản lợi nhuận trên danh nghĩa mà chưa thành hiện thực. Chỉ khi nào mình bán cổ phiếu thực sự thì mới ghi nhận phần chênh lệch giữa giá mua và giá bán trên Bảng Thu nhập.

Khoản thu nhập 16 triệu/năm 2020 là toàn bộ cổ tức mà mình nhận được từ hoạt động đầu tư chứng khoán. Đây cũng là khoản thu nhập thụ động duy nhất mà mình có tại thời điểm này.

Gia tăng thu nhập thụ động trên Bảng chi tiêu cá nhân bằng cách tham gia kinh doanh tiếp thị liên kết với Droppii.

2. Phần Chi phí trong Bảng chi tiêu cá nhân

2.1. Chi phí thiết yếu

Chi phí thiết yếu là các khoản bắt buộc phải chi trả mỗi tháng

– Chi phí ăn uống: Khoản chi phí cốt lõi đầu tiên và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phần chi phí thiết yếu của gia đình mình chính là chi phí ăn uống, tổng 110 triệu/năm.

– Chi phí thuê nhà + dịch vụ: Bao gồm các khoản phí dịch vụ chung cư, gửi xe ở hầm; các chi phí dịch vụ mua ngoài như điện, nước, vệ sinh, cước viễn thông và internet… 24 triệu/năm.

– Chi phí giáo dục: Toàn bộ các khoản tiền học cho hai con, bao gồm học phí ở trường theo quy định và các khoản tiền học thêm các lớp văn hóa và kỹ năng sống, hết 72 triệu/năm.

– Chi phí đi lại: Bao gồm tiền xăng xe, bảo dưỡng xe định kỳ; tiền thuê xe taxi đường dài phát sinh liên quan tới việc giao dịch các bất động sản, 20 triệu/năm.

– Chi phí chăm sóc sức khỏe: Là khoản ngân sách mình chi dùng cho việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm. Vì cả nhà đều có bảo hiểm y tế nên khoản chi phí này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ là 6 triệu/năm.

– Chi phí khác: Trên Bảng Cân đối tài sản của mình có một khoản vay ngân hàng (Nợ thế chấp), do vậy hàng tháng mình bắt buộc phải trả lãi vay và tiền gốc đều đặn. Đây cũng là một khoản chi phí tương đối lớn trong các khoản mục chi phí thiết yếu của gia đình, 84 triệu/năm.

Quản lý chi phí bằng cách lựa chọn Các cách tiết kiệm tiền hiệu quả.

2.2. Chi phí mong muốn

Chi phí mong muốn là khoản chi có tính chất không bắt buộc

Phần chi phí không thiết yếu của gia đình mình rất đơn giản, bao gồm có:

– Chi phí Bảo hiểm nhân thọ: 55 triệu/năm, là toàn bộ khoản phí của 03 Hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ cho bản thân mình và hai con trai.

– Chi phí mua sắm làm đẹp: 30 triệu/năm dùng để mua sắm quần áo, mỹ phẩm và chăm sóc da tóc móng cơ bản.

– Chi phí du lịch: 30 triệu/năm, bao gồm một chuyến đi ngắn từ 2-3 ngày cho 3 mẹ con đến các điểm du lịch trong nước hoặc là chi phí cho một chuyến về quê thăm gia đình ở miền Bắc hằng năm.

– Chi phí khác: 15 triệu/năm dùng cho một vài khoản phát sinh như mua sắm thêm món đồ gia dụng mới hay đăng ký một khóa học mới. Mỗi năm mình đều đầu tư cho bản thân từ 1-2 khóa học về tài chính cá nhân và phát triển bản thân.

Như vậy, qua Bảng Chi tiêu cá nhân tham khảo ở trên, bạn có thể liệt kê được toàn bộ phần tiền mà bạn thu được và phần tiền mà bạn phải chi ra trong tháng (hoặc năm). Mục tiêu của việc lập Bảng chi tiêu cá nhân là để xác định Dòng tiền, đó là khoản chênh lệch giữa Thu nhập mà bạn tạo ra với Chi phí mà bạn đã sử dụng.

Trong phạm vi bài chia sẻ này chúng ta tập trung nhiều hơn vào cách thức lập Bảng Chi tiêu cá nhân. Tất nhiên mỗi cá nhân hay mỗi gia đình lại có một quy tắc quản lý chi tiêu khác nhau. Việc phân bổ các hạng mục chi phí như thế nào để tối ưu xin mời bạn tiếp tục tìm hiểu Quy tắc chi tiêu hiệu quả.

Thông qua phần chia sẻ này, mình mong rằng có thể giúp bạn biết cách làm quen và sử dụng Bảng Chi tiêu cá nhân chi tiết ở trên để thực hiện quản lý tốt các khoản Thu Chi của cá nhân và gia đình.

Để Quản lý tài chính cá nhân toàn diện, bạn có thể tham khảo Topi – Ứng dụng quản lý tài chính và đầu tư đa lớp tài sản hàng đầu. Hoặc bạn hãy NHẤP VÀO ĐÂY để được tư vấn về cách áp dụng Bảng chi tiêu cá nhân cũng như cách xây dựng Kế hoạch Tài chính cá nhân hiệu quả nhé.

Give a Comment